Đứng top 3 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Hàn Quốc…
Có thể nói Cộng là thương hiệu cà phê thứ 2 của Việt Nam được người Hàn Quốc biết đến, sau khi cà phê G7 của Trung Nguyên được Công ty Hello Vina của Hàn nhập chính thức vào năm 2008, phân phối tại các siêu thị lớn ở Hàn Quốc như Lotte. Trong khi đó, những số liệu thống kê cho thấy, Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam với quy mô tiêu thụ lớn thứ 11 thế giới và sức tiêu thụ tăng mạnh theo từng năm.
Cụ thể, năm 2012 tổng giá trị tiêu thụ cà phê tại Hàn đạt khoảng 4 tỷ USD. Đến năm 2017, tổng giá trị tiêu thụ nội địa đã đạt hơn 10 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần chỉ sau 5 năm. Con số tăng trưởng lớn này được quy đổi tương đương với 26,5 tỷ ly cà phê đã được phục vụ và con số tiêu thụ trung bình đạt 512 ly/người/năm.
Ngoài ra, một cuộc điều tra khác cũng cho thấy, loại thực phẩm mà người Hàn Quốc ưa chuộng nhất không phải là kim chi mà là cà phê. Trong cuộc khảo sát này, kim chi cải thảo chỉ đứng thứ 2, còn cà phê đứng thứ nhất với số lượng cà phê trung bình được một người Hàn Quốc tiêu thụ gần 2 ly cà phê/ngày. Như vậy, Hàn Quốc thực sự là một thị trường lớn cho bất kỳ một thương hiệu cà phê nào.
Việt Nam luôn là quốc gia cung cấp cà phê đứng top 3 thế giới cùng với Brazil và Colombia vào Hàn Quốc. Thậm chí có những thời điểm Việt Nam vượt qua được Brazil, đứng ở vị trí thứ nhất giá trị xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc. Nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn chưa được nhiều người Hàn Quốc biết đến vì đa phần cà phê nhập khẩu từ Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm cà phê mang thương hiệu của Hàn Quốc.
Nguyên nhân nói trên đã được đề cập đến nhiều năm nay. Bởi, từ lâu, các nhà quản lý chuyên ngành của Việt Nam cũng đã nhận thức được hiện nay Việt Nam đang chỉ xuất thô, giá trị từ xuất thô chiếm phần đa trong kim ngạch xuất khẩu. Và các bộ, ngành liên quan vẫn đang tìm mọi cách để gia tăng giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu.
Do đó, hiện nay các DN cà phê Việt Nam nói riêng, cộng đồng DN nói chung đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để có thể xuất khẩu được thương hiệu Việt Nam ra toàn thế giới. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình dài hơi, đòi hỏi DN phải có nền tảng cốt lõi, xây dựng được một quá trình cung cấp và chế biến khép kín. Từ đây mới có thể xây dựng được những thương hiệu riêng của Việt Nam.
… nhưng mất hút tại các quán cà phê
Quá trình xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng truyền thống của Việt Nam đều được hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ, bằng các đề án xúc tiến thương mại. Thành công ban đầu có thể kể đến như cây chè khi các thương hiệu chè Việt Nam đã đạt những giải thưởng lớn tại các lễ hội chè ở Bắc Mỹ.
Cà phê Việt hiện cũng có nhiều thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Mê Trang… nhưng để đưa được một sản phẩm thương hiệu Việt xuất khẩu ra nước ngoài không phải là câu chuyện đơn giản, dù hiện nay, Việt Nam chiếm tới hơn 30% thị phần cà phê xuất khẩu trên toàn thế giới.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á –châu Phi cho biết, ông có cơ duyên trở thành người đầu tiên giới thiệu một thương hiệu cà phê của Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc. Sau cơ duyên đó, ông đã nghĩ đến chuyện tìm cách để cà phê Việt xuất hiện và được biết đến nhiều hơn tại Hàn Quốc.
Từ năm 2008-2012 (thời kỳ ông Hải đang là Tham tán thương mại tại Hàn Quốc) là giai đoạn bùng nổ về thị trường đồ uống ở Hàn Quốc. Cùng lúc, cà phê nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 40% thị phần cà phê tại Hàn Quốc. Theo ông Hải đó là thời điểm lý tưởng để đưa ra nhận biết về cà phê Việt Nam. Ông đã ngay lập tức tìm hiểu về thị trường cà phê tại Hàn Quốc từ các quán cà phê.
Ông nhận ra một điều, tại các cửa hàng bán cà phê của các thương hiệu cà phê quốc tế (nhưng do công ty Hàn Quốc sáng lập) đều có những chiếc lọ to bằng thuỷ tinh, trưng bày hàng chục loại cà phê trên toàn thế giới như Mexico, Brazil, Peru, Honduras… nhưng lọ cà phê trưng bày hạt cà phê Việt Nam lại không thấy xuất hiện.
Trước thực tế này ông Hải đã đề xuất với Công ty Hello Vina đưa lọ trưng bày hạt cà phê Việt Nam vào song hành với các nước khác trên thế giới ở các cửa hàng của Hello Vina. Hai bên đã đi đến thoả thuận sẽ cung cấp miễn phí cho mỗi cửa hàng 20kg hạt/thángđể họ bán, giới thiệu trong vòng 2 năm.
Theo tính toán, giá trị quảng cáo cho cà phê Việt của thương vụ này sẽ hết khoảng 200.000 USD/năm. Và điều Việt Nam nhận lại được rất lớn, đó là việc người dân Hàn Quốc, khách du lịch trên khắp thế giới đến Hàn Quốc sẽ biết đến Việt Nam như 1 quốc gia có ngành cà phê phát triển mạnh.
Tuy nhiên, điều khiến ông Hải nuối tiếc là đã không tìm được tiếng nói chung với ngành cà phê trong nước nên mong muốn này vẫn chưa được thực hiện. Và đến giờ, thương hiệu cà phê Việt tại Hàn Quốc vẫn mới chỉ có G7 và Cộng mới đây, trong khi đó Việt Nam luôn là một nước xuất khẩu tầm cỡ sang Hàn Quốc và thế giới.