Cà phê đường tàu ở Hà Nội: Mất an toàn đường sắt sao vẫn tồn tại?

 Nhóm du khách thoải mái uống bia, check-in ngay trên đường ray tàu hỏa
Nhóm du khách thoải mái uống bia, check-in ngay trên đường ray tàu hỏa
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt chạy qua với tổng chiều dài hơn 160 km. Đặc biệt, tại đây có đến 560 giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Vấn đề an toàn đường sắt luôn được nhắc đến nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, “bỏ quên” an toàn tính mạng của mình mỗi khi tàu chạy qua.

Muôn kiểu “thách thức với tử thần”

Tại ngõ 10, đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), cuộc sống sinh hoạt của người dân tại đây luôn gắn liền với đường sắt. Trên đường ray tàu hỏa, người dân vô tư nấu ăn, rửa bát, ngồi tán gẫu, chơi cờ… Mặc kệ những tiềm ẩn nguy hiểm họ vẫn coi những hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt là điều rất bình thường.

Nguy hiểm hơn, khoảng 2 năm nay, hai bên hành lang đường sắt từ đường Trần Phú đến phố Điện Biên Phủ xuất hiện dày đặc các hàng quán kinh doanh. Một số người dân lợi dụng khoảng sân nhỏ hẹp trước nhà cải tạo thành quán cà phê, biến “xóm đường tàu” thành một địa điểm check-in độc và lạ. Chính điều này đã thu hút rất đông giới trẻ Việt và du khách nước ngoài đến tham quan.

Tại “xóm đường tàu”, ước tính mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến “ngắm” tàu chạy, tận hưởng cảm giác mới lạ mỗi lần tàu vụt qua ở khoảng cách tính bằng xen-ti-mét. Càng về tối, du khách đổ về xóm đường tàu càng đông, đặc biệt là vào những khung giờ có tàu chạy.

Hầu hết mọi khách đến với xóm đường tàu đều biết đến sự nguy hiểm tiềm ẩn bên đường ray nhưng họ vẫn đang làm ngơ với tính mạng của chính mình. Cứ như vậy, mỗi lần tàu chạy qua hàng chục người lại vô tư chĩa máy ảnh, điện thoại ra để ghi lại hình ảnh đoàn tàu ở cự ly gần nhất.

Một người dân sống bên đường tàu cho biết, có nhiều du khách nước ngoài vô cùng liều lĩnh, cố gắng tranh thủ khoảnh khắc tàu sắp đến để kiếm tấm ảnh đứng bên đường ray, có người còn thò tay ra để chạm vào thân tàu, những hành động này quá nguy hiểm. Rất nhiều người dân và chủ quán hò hét một hồi lâu thì họ mới đứng nép gọn lại.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Trên thực tế, đã không ít lần xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt do sự thiếu ý thức của một số người dân. Còn nhớ, ngày 25/3 vừa qua trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn đường sắt làm một người tử vong.

Đoàn tàu mang số hiệu HP2 đang lưu thông hướng Hải Phòng – Hà Nội. Khi di chuyển đến thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) thì bất ngờ va phải một người đàn ông đang đứng trên đường sắt. Theo tìm hiểu, thời điểm xảy ra tai nạn, nạn nhân đang đi tiểu tiện trên đường tàu và bị tàu va phải. 

Có thể nói, tâm lý chủ quan coi thường của một bộ phận người dân là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn đường sắt thương tâm. 

Khách quan nhìn nhận, các trường hợp ngồi uống cà phê, mua bán, chụp ảnh bên đường tàu không khác gì “thách thức với tử thần”, vô cùng nguy hiểm và cần sớm loại bỏ. Tại “xóm đường tàu” ven đường Phùng Hưng, đã không ít lần cơ quan chức năng đến làm việc, lập biên bản xử lý các hàng quán kinh doanh. Song, chỉ một thời gian sau, hoạt động kinh doanh bên đường tàu lại tấp nập, nhộn nhịp trở lại. 

Việc xử phạt đối với vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 51 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, một lãnh đạo Công an phường Hàng Bông cho biết: “Việc các hộ dân và du khách vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn như mở quán kinh doanh đồ ăn, uống ngay sát đường tàu và du khách đứng trên đường ray để chụp ảnh mới xuất hiện trên địa bàn.

Để đảm bảo an toàn giao thông, Công an phường thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt và thu giữ các phương tiện vi phạm của các hộ dân. Tuy nhiên, do chủ yếu du khách vi phạm là người nước ngoài nên cũng ít nhiều gây khó khăn trong công tác vận động, nhắc nhở.

Ngoài ra, phường cũng yêu cầu các hộ dân sống ven đường tàu ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, do ý thức của người dân và du khách chưa cao, thậm chí cố tình vi phạm nên vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù  ban, ngành các cấp đã nhiều lần ra quân để xử lý”.

Thiết nghĩ, luật đã có và để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, bên cạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành đúng quy định của người dân, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm để giảm thiểu những tai nạn không đáng có trên đường ray.  

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.