Ghép Vụ sẽ có 6 cấp phó
Một năm qua, Bộ GTVT gần như cùng lúc phải “chạy đà” cho nhiều dự án quan trọng như cao tốc phía Đông, Sân bay Long Thành; đồng thời đốc thúc hoàn công những dự án khởi công từ nhiều năm trước nhưng chậm tiến độ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhìn tổng thể, công tác xây dựng cơ bản ngành này đang chuyển biến theo hướng tích cực. Nhưng ở Bộ, thời gian qua cũng đã xảy ra một số sự việc thu hút sự chú ý dư luận, mà “gốc gác” vấn đề là từ khâu tổ chức cán bộ.
- Thưa Bộ trưởng, năm ngoái, Bộ đã thực hiện một cuộc sáp nhập, hợp nhất lớn trong lịch sử của ngành đó là ghép một số Ban quản lý dự án (PMU), để thu hẹp đầu mối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Những công việc tương tự như thế liệu có còn tiếp diễn trong nhiệm kỳ công tác của ông?
- Chúng tôi đa cho rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ để tới đây sắp xếp lại nhằm hướng tới 2 mục tiêu là giảm đầu mối và biên chế.
Bắt đầu từ những phòng thuộc Vụ, các Vụ trong Tổng cục và cả những Vụ thuộc Bộ. Đơn vị nào có chức năng gần giống nhau thì sẽ ghép lại để giảm đầu mối, giảm lãnh đạo. Bởi nếu ít đầu mối thì khi lấy ý kiến hay tham mưu một vấn đề nào đó sẽ không qua nhiều Phòng, Vụ như nay nữa. Công việc vì thế sẽ nhanh hơn, ít chồng chéo, và cũng giảm được số cấp phó; bố trí công việc cho cấp chuyên viên cũng dễ dàng, linh động hơn.
Các đơn vị sẽ phải lập, trình đề án; Bộ sẽ lập một Hội đồng xem xét các đề án, đề xuất này xem phù hợp hay không. Nếu được thì phê duyệt, ban hành văn bản quy định chức năng nhiệm vụ mới, chưa được thì thì yêu cầu làm lại.
Chúng tôi cũng chỉ đạo mỗi đơn vị phải rà soát lại đề án vị trí việc làm, với nhiều phương án cho từng năm, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giảm biên chế được 20%.
- Số cán bộ dôi dư sau quá trình hợp nhất, sáp nhập sẽ được xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi sẽ xin chủ trương trong khoảng 2 năm đầu sau hợp nhất một số đơn vị, như ở 2 Vụ, thì sẽ có một ông trưởng xuống làm phó, các phó khác vẫn giữ nguyên phó. Trong thời gian đó, những đơn vị này sẽ không bổ sung thêm cán bộ khi có người nghỉ hưu hoặc cho điều chuyển một số cán bộ lãnh đạo từ đơn vị này sang đơn vị khác...
Việc đưa ra một khoảng thời gian sau sáp nhập như thế là để giải quyết dần chính sách về cán bộ. Nhưng, 2 năm sau thì chắc chắn sẽ triệt để đúng quy định về số lượng cấp trưởng, phó trong một đơn vị. Ở Bộ Công an vừa rồi sau khi thu gọn đầu mối, có đơn vị có tới hơn 10 cấp phó. Ở Bộ GTVT có thể chỉ là 6 - 7 thôi, nhưng như đã nói, sau một thời gian nhất định chắc chắn sẽ về đúng quy định - 3 phó/đơn vị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Tôi biết tâm lý chung của anh, em có liên quan đến sáp nhập là không muốn việc này đâu!" |
- Thưa Bộ trưởng, trước khi làm việc này, Bộ đã tiến hành một phép thử hay một thăm dò nào trước đó về việc sẽ sắp xếp đối với các cấp Vụ, Cục…, bởi việc này sẽ đụng chạm quyền lợi nhiều người?
- Chúng tôi biết tâm lý chung của những “anh em” trực tiếp liên quan đến chuyện sáp nhập, hợp nhất là không muốn đâu!. Nhưng chúng tôi vẫn phải chỉ đạo làm đúng theo tinh thần chung. Tuy nhiên, cách làm của Bộ GTVT là sẽ dần dần, không gây xáo trộn quá mà theo một tỷ lệ nhất định 5 - 10% sau đó sẽ tiếp tục.
Làm việc này hiện cũng có một số điểm thuận lợi vì Chính phủ đã có một số quy định khá rõ về số lượng lãnh đạo ở cấp Phòng, cấp Vụ. Vì thế, Bộ sẽ căn cứ vào đó thực hiện.
Hợp nhất PMU - đúng nhưng chưa đủ
- Sau cuộc hợp nhất các PMU hồi năm ngoái, đến giờ này, Bộ vẫn còn gần chục PMU. Có ý kiến cho rằng, đầu mối quản lý dự án thuộc Bộ như thế vẫn còn nhiều, thưa Bộ trưởng?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, viêc sắp xếp các PMU như vậy là rất đúng đắn nhưng chưa đủ. Vì điều kiện đủ ở đây chính là số lượng cán bộ trong mỗi PMU. Chẳng hạn PMU ít việc thì số lượng cán bộ phải ít. Việc ít mà bộ máy công kềnh thì lấy gì để nuôi nhau?
Bây giờ cần có sự cạnh tranh giữa các PMU. “Ông” nào điều hành dự án tốt, chất lượng cao thì Bộ sẽ giao nhiều nhiệm vụ; PMU nào làm tệ thì chắc chắn không có cơ hội nào.
Theo quan sát, thời điểm này, các PMU đang cơ bản ổn định nên nếu gom nhỏ lại nữa thì không có lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành dự án. Trong tương lai, tùy tình hình và cân nhắc thật kỹ, nếu cần thiết thì mới tính tới chuyện có nhập nữa hay không. Còn giai đoạn này, Bộ đang hướng vào nội bộ của từng PMU để đảm bảo chất lượng điều hành dự án của từng đơn vị; đồng thời xem xét chế độ trả lương theo hiệu quả của từng người chứ không cào bằng hay theo thâm niên, tuổi tác… để thu hút người tài.
Những đơn vị nào đủ điều kiện, Bộ GTVT sẽ tiến hành sắp xếp cán bộ một cách toàn diện, triệt để |
Đơn vị nào sắp có biến động nhân sự?
- Thời gian gần đây, Bộ GTVT đã khởi động nhiều dự án quan trọng, thậm chí khơi thông một số dự án từng bế tắc từ nhiều năm trước. Nhưng cạnh đó, ở Bộ cũng xảy ra một số việc “ồn ào” tại Cục Đường thủy nội địa, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)… làm ảnh hưởng uy tín Bộ. Quan điểm của Bộ trưởng đối với những trường hợp này như thế nào?
- Những vấn đề trên đúng là tồn tại của ngành. Nhưng suốt năm qua, chúng tôi phải dành nhiều thời gian cho việc rà soát lại tất cả công việc trong đó có những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Sân bay Long Thành, rồi mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất... Đây là những công việc nhiều áp lực về tiến độ nên không thể trì hoãn.
Ngoài ra, gần đây Bộ cũng phải phục vụ công tác thanh, kiểm tra các Dự án BOT rồi cổ phần hóa doanh nghiệp. Nên nếu tiến hành cùng lúc nhiều quyết định xáo trộn về cán bộ thì sẽ ảnh hưởng tới những công việc đó, vì một số “anh em” đã có quá trình theo dõi các dự án nếu mình quyết định sắp xếp, điều chuyển sẽ ảnh hưởng tới công tác thanh tra, kiểm toán. Thế nên, chúng tôi tạm thời giữ ổn định trong thời gian gần đây.
Hơn nữa, quan điểm về tổ chức cán bộ của chúng tôi là thận trọng, không ồ ạt vì nếu quá đà sẽ dễ gây rối loạn tổ chức, không tốt cho công việc đại cục.
Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm thích hợp và đã chín muồi để Bộ bắt tay vào làm công tác tổ chức tại một số đơn vị trực thuộc. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2018 và ngay trong đầu năm 2019, chắc chắn sẽ có những đợt sắp xếp, chuyển đổi các vị trí tại một số đơn vị.
Chẳng hạn tại các đơn vị như VEC, Cục Hàng hải… sắp tới sẽ có sự thay đổi. Cục Đường thủy nội địa cũng vậy, nhưng do Cục này đang “dính” vào một nghi án tiêu cực nên Bộ đang cho kiểm tra.
Phương án nhân sự tại một số đơn vị, Ban cán sự Đảng Bộ sẽ họp bàn và sớm cho công bố. Tính thần là những chỗ đủ điều kiện thì thay đổi một cách triệt để, toàn diện như Bộ từng làm ở Tổng công ty Cửu Long. Còn những chỗ đang có những khó khăn về vấn đề nội bộ hoặc đang phục vụ công tác thanh, kiểm tra thì sẽ cân nhắc bởi người cũ đi, người mới về sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện tại.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!