Ông Công được xem là chuyên gia “gỡ rối” những vụ việc phức tạp tại Cục THADS Nghệ An. Với những thành tích nổi bật, nhiều năm liền ông được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp và Thủ tướng Chính phủ.
Giải quyết tận cùng những vụ việc phức tạp
Quyết đoán, kỷ luật, vững chuyên môn, luôn tâm huyết với ngành là những điều mà những đồng nghiệp nói về Trưởng phòng NV&TCTHA Cục THADS Nghệ An, ông Nguyễn Văn Công. Tính cách quyết đoán của ông có lẽ cũng một phần xuất phát từ việc ông từng có thời gian rèn luyện và công tác trong quân ngũ. Năm 1993, ông về Đội THA huyện Nghi Lộc. Năm 2009 ông nhận nhiệm vụ tại Cục THADS Nghệ An, đến năm 2016 ông Công giữ chức NV&TCTHA.
Với vai trò là người đứng đầu, ông đã chỉ đạo, điều hành Phòng NV&TCTHA thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phân công nhiệm vụ cụ thể với cấp dưới, đưa hoạt động của phòng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên nhiều mảng lĩnh vực. Trong đó, những vụ việc kéo dài, phức tạp hay án kinh tế tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, đặc biệt là theo dõi THA hành chính đều được ông chỉ đạo, điều hành hoặc trực tiếp giải quyết xong. Nhờ vậy, Cục THADS Nghệ An luôn được xếp hạng loại A và nhiều lần được Bộ Tư pháp khen thưởng và khen đột xuất.
Bên cạnh đó, ông còn làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Cục. “Là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất nước, lượng việc và tiền bình quân hàng năm của các cơ quan THADS Nghệ An thường cao hơn so với nhiều địa phương khác; từ 18.000 đến 20.000 việc. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu, tôi đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Cục một số nội dung như giúp lãnh đạo Cục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo THADS; theo dõi, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong các vụ việc điển hình”, ông Công chia sẻ.
Bằng lý luận chặt chẽ, THA đúng pháp luật và cách làm việc có tình, có lý, ông đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp. Một trong những vụ việc cần phải nhắc đến là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cán bộ một ngân hàng chi nhánh tại Nghệ An. Ông chia sẻ, dù đã có bản án của Tòa nhưng người phải THA luôn chống đối, thậm chí chửi bới cả cán bộ đi làm nhiệm vụ. Hơn nữa, bản án tuyên không rõ ràng và phải làm việc trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp khiến vụ việc thêm khó khăn.
“Với những vụ án phức tạp như vậy, chúng tôi không bao giờ làm việc đơn lẻ mà có sự phối hợp với chính quyền, VKSND với đầy đủ thông báo, lịch trình. Tại cuộc làm việc, tôi đều giới thiệu thành phần tham gia và để cho người phải THA trình bày xong rồi mới bắt đầu phân tích trên cơ sở quy định của pháp luật. Người đó từ chống đối chuyển sang hợp tác với cơ quan THA. Sau đó, họ còn chủ động liên hệ với chúng tôi trong việc hỗ trợ quá trình xử lý bán đấu giá tài sản. Hiện, số tiền hơn 9,2 tỷ đồng từ bán đấu giá các tài sản liên quan đến vụ việc này đang được xử lý theo quy định pháp luật”, ông Công chia sẻ về một vụ việc.
Trưởng phòng NV&TCTHA Cục THADS Nghệ An Nguyễn Văn Công trong buổi làm việc với một đương sự. |
Còn với các vụ việc dân sự, tranh chấp kinh tế và hôn nhân gia đình, theo ông Công; thường là mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình, dòng tộc, cộng đồng đã lên đến đỉnh điểm. Nếu buộc phải cưỡng chế thì nhiều khả năng xấu xảy ra, không cẩn thận thì chấp hành viên có thể bị chống đối gây thương tích, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng; hoặc nếu có sơ suất thì xảy ra khiếu nại, tố cáo…
Với những vụ việc phức tạp như vậy, ngoài yêu cầu làm đúng pháp luật, thực hiện đúng quy trình mà luật đã quy định thì ông còn có quy tắc riêng. Đó là khi làm việc với dân phải lắng nghe dân, ghi nhận ý kiến và đề xuất ý kiến. “Không được bỏ sót quy trình, thủ tục nào, phải khép kín được hồ sơ, phân tích đầy đủ các quy định của pháp luật để họ biết quyền và nghĩa vụ của họ”, ông Công chia sẻ về nguyên tắc.
Điển hình cho cách làm việc này là ông đã khéo léo xử lý vụ tranh chấp tài sản trong một gia đình bằng công tác dân vận. Nhờ những chia sẻ, trao đổi có tình, có lý mà chị em trong một gia đình đã đồng ý ngồi xuống để lắng nghe nhau. Từ đó, vụ việc qua 3 cấp xét xử, về tranh chấp 1,2m đất liên quan đến nhà thờ họ đã không phải tháo dỡ viên gạch nào. Ông nói: “Những người phải THA đều đau khổ cả nên mình phải làm việc trách nhiệm, đúng luật. Có như vậy, người dân mới tin tưởng”.
Nhiều sáng kiến hiệu quả
Nhiều năm công tác trong ngành, ông Công còn được biết đến là tác giả của nhiều sáng kiến hiệu quả. Năm 2013, ông đã có đề tài sáng kiến “Kỹ năng việc áp dụng biện pháp bảo đảm THADS đạt hiệu quả nhất”.
Đề tài của ông đã nêu lên các kiến thức lý luận trên cơ sở luật định về biện pháp bảo đảm THADS. Trong đó, nêu rõ khái niệm về biện pháp đảm bảo THADS, nguyên nhân và cơ sở pháp lý của biện pháp đảm bảo THADS, các điểm cần lưu ý trong quá trình THA. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trong đề tài cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nên các vụ việc đã được triển khai chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục luật định, không để xảy ra các lỗi chủ quan, không ảnh hưởng đến kết quả áp dụng biện pháp bảo đảm. Nhờ công tác xác minh được triển khai bài bản, ít sai sót nên tỷ lệ thi Cục THADS tỉnh Nghệ An trong năm 2013 đạt kết quả cao.
Với vai trò là người đứng đầu, ông Công đã chỉ đạo, điều hành Phòng NV&TCTHA hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét miễn, giảm THA, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người phải THA, đồng thời góp phần giảm án tồn đọng, ông Công đã có đề tài sáng kiến “Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ THA với khoản thu nộp ngân sách nhà nước” vào năm 2016. Nhờ đề tài này mà Phòng Nghiệp vụ đã thực hiện công tác xét, miễn giảm trong 5 năm với tổng 248 việc, tương ứng hơn 1,4 tỷ đồng. Hiện, nội dung của đề tài vẫn đang tiếp tục được áp dụng tại Cục THADS Nghệ An.
Năm 2018 ông có đề tài sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THA các vụ việc liên quan án tín dụng, ngân hàng tại Nghệ An”. Theo ông, hoạt động THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng tác động trực tiếp đến việc thu hồi nợ xấu, giảm nợ xấu, đảm bảo hoạt động ngân hàng của hệ thống tổ chức tín dụng được an toàn và hiệu quả hơn. Bên cạnh thuận lợi trong quá trình tổ chức THA đều có tài sản bảo đảm, tuy nhiên các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm lại chính là vướng mắc nổi cộm trong THA tín dụng, ngân hàng. Do đó, tỷ lệ THA còn thấp, số việc và tiền phải thi hành còn lớn, tiến độ THA kéo dài.
Việc áp dụng đề tài này đã đạt được kết quả chính là nhờ cơ chế miễn, giảm tiền lãi của ngân hàng thì người phải THA mới có khả năng thi hành nộp tiền, không phải tổ chức cưỡng chế. Như vậy, việc tổ chức THA đã rút ngắn thời gian đảm bảo tiến độ, có hiệu quả cao, giảm chi phí cho Nhà nước và đương sự.
Ngoài ra, ông Công còn có nhiều đề tài sáng kiến được ngành công nhận như: “Giải quyết một số vấn đề về thi hành phần dân sự trong bản án hình sự”, “Một số giải pháp để giải quyết án tồn đọng”, “Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xét, miễn giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước”…
Với chuyên môn giỏi, luôn tâm huyết với ngành, bản lĩnh chính trị vững vàng ông Công nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở. Ông cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An… Vinh dự hơn, ông Công còn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về công tác thi hành án.
Nói đến vai trò của Trưởng phòng Nghiệp vụ mà không đề cập đến việc giải quyết các án hành chính là một thiếu sót. Năm 2021, khi được phân công theo dõi THA hành chính ông Công đã chủ động tham mưu cho Cục trưởng trong quá trình tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp đối với 6 UBND cấp huyện để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thi hành các bản án hành chính đang tồn đọng. Nhờ đó, công tác theo dõi thi hành án hành chính đạt kết quả cao và đã được Tổng cục THADS ghi nhận, lấy Nghệ An làm mô hình để các tỉnh làm theo và được Bộ Tư pháp khen thưởng đột xuất.