Làm du lịch hay phá rừng?
Hơn 10 năm trước, hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng với những cái tên mỹ miều như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, Khu biệt thự Hùng Sơn, Tiên Trang... được ồ ạt đăng ký đầu tư vào khu vực ven biển Nam Sầm Sơn và huyện Quảng Xương, điều này hứa hẹn sự thay đổi về một môi trường du lịch hoành tráng, tương lai tươi sáng, đỡ vất vả hơn cho người dân địa phương. Thế nhưng hơn 10 năm trôi qua, khu du lịch chưa thấy đâu mà rừng phòng hộ ven biển đã bị tàn phá nghiêm trọng, cuộc sống của người dân trong vùng dự án trở nên khó khăn, cơ cực mọi bề.
Theo người dân khu phố Đông Bắc 5 phường Quảng Vinh thành phố Sầm Sơn (trước đây thuộc xã Quảng Vinh, Quảng Xương, Thanh Hóa) những cánh rừng phi lao nơi đây được trồng theo Đề án 661 và 327 cách đây 20-30 năm, nhằm tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, chống xâm thực, ngăn gió cát mỗi khi mưa bão tràn vào.
Trước kia, rừng phi lao còn rộng, xa tít mãi ra biển. Nhưng mấy năm trở lại đây, dọc bờ biển từ phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) tới xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), hầu hết các cánh rừng phi lao hơn chục năm tuổi đều bị chặt phá nham nhở, còn trơ gốc.
Thay vào đó, nền đất được chia lô, xây tường rào bao quanh. Những cánh rừng còn lại cũng thưa thớt, biển xâm thực nặng và có nguy cơ bị đốn hạ. Nếu cứ đà này thì những khu dân cư sống phía trong rừng phi lao sẽ bị biển “nuốt” lúc nào không hay.
Trong căn nhà ngói lụp sụp khoảng 20m2 đổ nát, bà Nguyễn Thị C. ở phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) giọng rưng rưng: “Bà ở đây gần cả cuộc đời, nhà cửa xây từ năm 1974 đến nay xuống cấp lắm rồi mà nhà chờ giải tỏa nên 20 năm nay không thể sửa chữa. Mỗi khi biển động, tiếng sóng biển, tiếng gió rít từng hồi khiến cho căn nhà như muốn đổ ụp xuống”.
Dẫn chúng tôi ra trước sân, bà chỉ tay lên mái nhà giọng uất nghẹn: “Năm vừa rồi người ta đốn hết hàng phi lao chắn song, chắn gió trước nhà rồi. Đấy các chú xem rồi mùa mưa bão năm nay gia đình bà biết sống sao? Nửa cái mái nhà đã sụp xuống rồi, nó chưa rơi xuống là do tấm bạt kia giữ lại”. Cũng như bao gia đình khác, gia đình bà C. cũng là một trong những hộ chịu án “đày đọa” vì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện.
Cũng trong tình trạng tương tự, dự án khu du lịch biển Tiên Trang được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty TNHH SoTo làm dự án du lịch từ những năm 2008. Đến nay, dự án này cũng chỉ được chủ đầu tư đầu tư vài hạng mục rồi để đó, nhưng nhiều cánh rừng phòng hộ nơi có dự án này đi qua như xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) thì đã bị chặt hạ nham nhở.
Người dân sống trong lo lắng
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho biết: Dự án biệt thự Hùng Sơn được tỉnh giao đất cho doanh nghiệp từ năm 2004. Cũng từ khi doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất thì hàng chục hecta phi lao ven biển bị chặt hạ. Nhưng đến nay doanh nghiệp chưa triển khai xây dựng dự án khiến người dân sống tại khu vực đó rất lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Bên cạnh đó, cảnh quan bờ biển biến đổi, ngư dân không còn chỗ neo đậu tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển. Phía địa phương mong doanh nghiệp sớm triển khai dự án, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thì UBND tỉnh Thanh Hóa nên thu hồi dự án để bà con yên tâm sản xuất, trồng mới phi lao chắn sóng.
Cũng theo phản ánh của người dân khu phố Đông Bắc 5 phường Quảng Vinh, từ năm 1994, Nhà nước có chủ trương quy hoạch khu vực này để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn.
Đến năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 1642/QĐ-UB, thu hồi đất tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) giao cho Công ty cổ phần Toàn Tích Thiện (địa chỉ: 125 phố Trúc Bạch phường Trúc Bạch quận Ba Đình, Hà Nội) thuê để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng diện tích đất là 60.345m2 được cho thuê trong thời hạn 50 năm.
Sau nhiều năm dự án nằm bất động, ngày 11/1/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 118/QĐ – UBND thu hồi đất của Công ty Toàn Tích Thiện tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương. Giao cho UBND xã Quảng Vinh quản lý theo quy định của pháp luật. Đến năm 2009 UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hồi đất giao cho công ty này thực hiện tiếp dự án.
Từ đó đến nay đã 25 năm, các dự án cao cấp vẫn nằm trên giấy, đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh lay lắt bởi mọi điều kiện cơ bản như xây dựng nhà cửa, cấp sổ đỏ đất đai hay nhu cầu nước sạch đều không được đáp ứng.