Đây là điều cô gái 27 tuổi, làm nhân viên văn phòng chưa bao giờ nghĩ đến. Nhưng đại dịch đã khiến mọi thứ đảo lộn và mang đến cơ hội bất ngờ cho cô.
Cách đây một tuần, Minh Anh đọc được bài rao trên mạng xã hội của một khách sạn 3 sao trên phố Nguyễn Văn Tố, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, với mức giá 2,7 triệu đồng một tháng, chưa tính điện nước. Nhẩm tính, mức giá này ngang với giá căn phòng cấp 4 mình đang thuê, trong khi phòng đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, gần chỗ làm hơn... nên cô "chốt" luôn.
Trường hợp của Minh Anh không phải là cá biệt. Thời gian gần đây, các khách sạn tư nhân, homestay ở trung tâm, trong phố cổ liên tục đăng tin cho người thuê ở dài hạn với giá bằng hoặc thấp hơn nhà trọ bình dân. Cô lấy ví dụ, trong nhóm "FacoHome - Nhà trọ Hà Nội - Quận Hoàn Kiếm" mỗi ngày có khoảng 70 bài đăng, rao "cho thuê phòng đầy đủ nội thất". Hay nhóm "Nhà Trọ - Hà Nội" với khoảng 11.000 thành viên, mỗi ngày có hơn 80 bài đăng tương tự.
Đây là những cơ sở lưu trú thường phục vụ du khách nước ngoài, nhưng hai năm qua Covid-19 đã khiến họ "đóng băng". Giá cho thuê của những khách sạn này dao động từ 2 đến 5 triệu đồng một phòng, có thể ở 2 - 4 người, với đầy đủ nội thất từ tivi, tủ lạnh, giường tủ, điều hòa. Phòng an toàn, có lễ tân phục vụ 24/7, bảo vệ trông xe và không bị hạn chế giờ giấc.
"Rẻ hơn cả thuê chung cư mini ở các quận khác", Minh Anh nói và cho biết, cô ở cùng với một người bạn nên chỉ tốn khoảng 1,5 triệu đồng mỗi người, "rất hợp lý với mức lương nhân viên văn phòng 7-8 triệu đồng".
Thông tin rao cho thuê phòng ở dài hạn của một khách sạn tại quận Hoàn Kiếm hôm 3/10. Ảnh Chụp màn hình.
Thuê khách sạn thay vì phòng trọ trở thành "cứu tinh" của Nguyễn Phong, 22 tuổi. Hồi tháng 5, anh chuyển chỗ làm đến một công ty ở quận Hoàn Kiếm và đã chật vật suốt một thời gian dài không tìm được nơi ở mới, thay cho phòng trọ ở quận Thanh Xuân. Giá phòng trọ ở Hoàn Kiếm thường dao động ở mức 5 triệu đồng, xa hơn chút là khu Bạch Mai, Giáp Bát cũng phải 3,5 triệu đồng. Với mức lương 6 triệu đồng, Phong không đủ trang trải.
Giữa tháng 9, được bạn bè giới thiệu đến các khách sạn trên phố cổ, Phong tìm được một phòng trên phố Mã Mây, phường Hàng Buồm với giá 3 triệu đồng. Phòng đẹp, đủ nội thất khiến người ít đồ như anh thấy thoải mái.
Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi khách sạn thành căn hộ đang nở rộ trong dịch. Ví dụ ở Hong Kong, từ cuối tháng 2 công ty CK Asset Holdings được chính quyền cấp phép cho chuyển đổi một khách sạn tại khu vực Ma On Shan thành 758 căn hộ. Một khách sạn khác thuộc tập đoàn New Territories, dự kiến cung cấp ra thị trường 5.000 căn hộ. Chính quyền Hong Kong cũng đã phân bổ 95 triệu HKD (278 tỷ đồng), trợ cấp cho chuyển đổi 800 phòng khách sạn sang căn hộ trong vòng 2 năm tới, theo Bloomberg.
Tại Việt Nam, biến khách sạn, homestay thành phòng trọ dài hạn là lối thoát khả thi nhất sau hai năm điêu đứng vì đại dịch.
Anh Khổng Xanh, chủ một khách sạn 3 sao trên phố Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm bắt đầu cho thuê trọ từ năm 2020, khi du lịch tạm ngưng. Trước đó, 90% khách thuê phòng của anh là người nước ngoài. Giá cho khách Tây thuê khoảng 800.000 đồng một đêm. Ba mươi phòng luôn kín khách.
Covid-19 ập đến, khách sạn của anh gần như bỏ hoang trong khi vẫn phải chi tiền thuê mặt bằng, công quét dọn. Anh Xanh chuyển hướng cho thuê trọ để cầm cự với giá dao động từ 2,7 triệu đồng đến 4,6 triệu đồng mỗi tháng. Hiện 9 phòng đã có người thuê dài hạn. "Tiền cho thuê chẳng thấm vào đâu so với tiền mặt bằng nhưng ít nhất khoản này cũng giúp mình đỡ nghẹt thở", ông chủ khách sạn tâm sự.
Khảo sát của phóng viên VnExpress hôm 5/10 cho thấy, một số khách sạn tại các phố Thuốc Bắc, Mã Mây, Lò Sũ, Hàng Bạc... đang cho thuê phòng từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng một tháng, diện tích 24-45 m2. Giá còn tùy thuộc vị trí như có cửa sổ hướng phố, view nhìn ra hồ.
Chuyên kinh doanh homestay cho khách nước ngoài trên phố Hàng Hòm, chị Nguyễn Hạnh, 42 tuổi bắt đầu cho thuê dài hạn gần hai năm nay. Căn homestay của chị gồm 4 phòng (3 phòng ngủ, 1 phòng khách), đầy đủ tiện nghi. Khách đến thuê chỉ cần dọn vào ở, xe gửi bên ngoài.
Trước dịch, chị cho thuê cả nhà khoảng 13 triệu đồng một tháng. Hiện, tổng thu còn 7 triệu đồng. "Không nhiều nhưng may vì là nhà của gia đình. Còn nếu đi thuê để kinh doanh chắc trả mặt bằng sớm", chị Hạnh nói.
Tính trả lại mặt bằng khi đợt dịch thứ tư bùng lên, nhưng anh Xanh vẫn hy vọng có thể bù lỗ khi du lịch mở lại. Hàng ngày, anh tiếp tục đăng tin cho thuê phòng.
Sống trong căn hộ hạng sang, giá rẻ, Minh Anh vẫn lo lắng "không biết bao giờ bị đuổi". Dù các bên cung cấp cam kết thuê dài hạn, ngay cả khi đón khách du lịch. "Cứ ở trước đã, khi nào bị đuổi mình lại đi", Minh Anh cười.