Giá đất ở thuộc địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2019 được quy định dựa trên Quyết định số 96 năm 2014 của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có giá đất ở thuộc top cao nhất. Nhiều tuyến phố có giá đất ở vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Trên giấy: Cao nhất 162 triệu đồng/m2
Quận Hoàn Kiếm có hơn 50 tuyến phố có giá đất vượt mức 100 triệu đồng. 3 tuyến đạt “quán quân” giá đất niêm yết với mức cụ thể 162 triệu đồng/m2 gồm có Hàng Đào, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ. Phân khúc 100-120 triệu đồng/m2 có khoảng 50 tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm.
Phần lớn những nơi có “đất vàng” như vậy là các tuyến dọc bờ hồ Hoàn Kiếm như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai, Hàng Đường (120 triệu đồng/m2), Hàng Bông, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Tràng Tiền (116 triệu/m2).
Những tuyến phố có giá đất đắt nhất ở Hà Nội theo quy định tại Quyết định 96 của UBND TP. Hà Nội. Đồ họa: Thủy Tiên. |
Các phố Hàng Bài, Đồng Xuân, Nhà Thờ, Lý Thường Kiệt, Lương Văn Can, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ), Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo) cùng có giá 112 triệu đồng/m2.
Các tuyến phố khác như Hàng Điếu, Hàng Bạc, Hàng Cân, Hàng Giấy, Hàng Trống, Thuốc Bắc… đều có giá đất đạt trên 100 triệu đồng/m2. Một số tuyến phố tại quận Ba Đình cũng có giá tương đối cao.
Cụ thể, 7 phố gồm Đường Độc Lập, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bắc Sơn, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học có giá đất dao động 102 đến 116 triệu đồng/m2.
Thực tế: 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m2
Mức giá 100-162 triệu đồng/m2 với đất tại những tuyến phố nói trên ở Hà Nội chỉ là mức niêm yết. Thực tế, mức giá giao dịch trên thị trường luôn cao hơn rất nhiều, phổ biến 500-800 triệu đồng/m2, có nơi “hét giá” 1 tỷ đồng/m2.
Theo mặt bằng chung và theo tìm hiểu của Zing.vn, Hoàn Kiếm đang có giá đất cao nổi trội hẳn so với toàn thành phố, bỏ xa các quận khác cùng trong khu vực bán kính gần bờ hồ Gươm như Ba Đình, Đống Đa.
Ở những tuyến phố trung tâm, giá đất còn thậm chí sánh ngang với đất tại các thành phố nổi tiếng trên thế giới như New York, Paris, Tokyo… Từ năm 2011, báo cáo của Colliers International đã cho biết giá đất tại các quận trung tâm Hà Nội lên đến 27.200 USD/m2 (570 triệu đồng), đắt ngang với giá ở nhiều thành phố như Paris, Tokyo. Sau 6 năm, giá đất giao dịch thực tế càng có xu hướng dâng cao.
Thực tế ghi nhận của Zing.vn cho thấy đất ở thuộc các tuyến phố “vàng” như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông, Hàng Hành hay Lê Thái Tổ luôn được “hét” giá từ mức 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ m2. Mức giá này còn có sự điều chỉnh lên xuống dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như diện tích lô đất, chiều rộng mặt tiền, vị trí, sở thích của người mua...
Cạnh đó, một số người dân kinh doanh trên địa bàn cho biết việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè diễn ra trong thời gian gần đây cũng tạo nên những ảnh hưởng nhất định tới giá đất ở tại các khu phố trung tâm. Tuy nhiên, nhiều người dân ở khu vực này thừa nhận trong hầu hết trường hợp, các mức giá cao ngất ngưởng đưa ra chỉ là mức giá ảo.
Thực tế vài năm trở lại đây, ít có giao dịch đất diễn ra trên các tuyến phố trung tâm. Nếu có, giá đất sau khi chốt giao dịch chủ yếu nằm ở khoảng từ 500 đến 800 triệu đồng/m2.
Giá đất giao dịch thực tế ở thời điểm hiện tại thuộc các tuyến phố quận Hoàn Kiếm dao động 500-800 triệu đồng/m2. Ảnh: Google Map. |
Tại phố Hàng Đào, một căn nhà có diện tích 130 m2, mặt tiền rộng 3 m đang được chào bán với giá 65 tỷ đồng, tương ứng mỗi m2 đất xấp xỉ 500 triệu đồng. Tuy vậy, mức giá này được đánh giá thấp hơn rất nhiều so với thời điểm 2007-2008.
Theo lời người dân sống tại đây, 9-10 năm trước, nhiều lô đất tại Hàng Đào, Hàng Đường đã được giao dịch với mức giá 1,2 tỷ đồng/m2. Ở các tuyến phố khác như phố Nhà Chung, phố Bát Đàn, phố Thuốc Bắc, phố Lãn Ông… giá đất dao động trong khoảng 500-650 triệu đồng/m2.
Tại 3 tuyến phố được định giá cao nhất (162 triệu đồng/m2) là phố Hàng đào, phố Hàng Ngang, phố Lê Thái Tổ, giá đất trên thực tế lên đến khoảng 700 đến 800 triệu đồng/m2.
Bà Tâm, một người dân sống và kinh doanh lâu năm trên phố Hàng Đường cho biết: “Các tuyến phố này giúp các hộ gia đình ‘hái ra tiền’. Trong trường hợp không kinh doanh, các hộ gia đình cũng có thể thu về trung bình từ 30-70 triệu đồng/tháng từ việc cho thuê mặt bằng”.