Tại Hà Nội, dự án khu liên cơ trụ sở các cơ quan của TP đã được triển khai từ 2016 trên đường Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ), là công trình trọng điểm của UBND TP Hà Nội, được xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Quy mô dự án gồm 3 khối nhà, cao lần lượt 27, 16 và 7 tầng trên khu đất 7.270 m2. Tổng mức đầu tư là hơn 1022 tỷ đồng.
Công trình là nơi làm việc của 8 sở, ngành thuộc UBND TP gồm: Sở GTVT, Xây dựng, KH&CN, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Để xây dựng khu liên cơ này, ngoài sự chỉ đạo của UBND TP, chắc chắc còn có vai trò quan trọng của Sở Xây dựng, TN&MT, Quy hoạch – Kiến trúc. Khi “tự xây nhà cho mình”, lẽ thường các cơ quan quản lý về đất, xây dựng và quy hoạch này phải rất chăm chút cặn kẽ, phối hợp với nhau nhịp nhàng tỉ mỉ.
Thế nhưng “ngồi chưa ấm chỗ”, hai Sở TN&MT, Quy hoạch - Kiến trúc đã xin về trụ sở cũ. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc ra thông báo “chuyển địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính” về địa chỉ cũ số 31B Tràng Thi (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) từ ngày 4/5. Sở TN&MT ra thông báo chuyển địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về địa chỉ số 18 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) từ ngày 19/4.
Theo thông báo của 2 Sở trên, lý do chuyển về địa điểm cũ nhằm “thuận lợi cho các tổ chức, công dân đến giao dịch, làm việc, nộp công văn, hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính; cũng như phối hợp với các phòng, đơn vị, bộ phận chuyên môn của Sở trong quá trình giải quyết công việc”. Ô hay, vậy làm việc tại một khu liên cơ tập trung lại không hiệu quả bằng tại các khu “xé lẻ” hay sao?
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, có một loạt bất cập tại khu liên cơ nghìn tỷ như: Mô hình vận hành, hạ tầng kỹ thuật quanh trụ sở chưa tương thích với quy mô, công năng các hạng mục công trình. Một số đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không phù hợp với mô hình làm việc tập trung trong liên cơ (nhiều khách giao dịch, phải tiếp dân với số đông tụ tập nhiều người, phải tổ chức nhiều cuộc họp liên tục...) nên phát sinh một số bất cập làm hạn chế hoạt động ảnh hưởng công tác chung của trụ sở.
Tại khu liên cơ này, không chỉ người dân đến làm thủ tục hành chính, mà bản thân những cán bộ nhân viên làm việc tại đây cũng bức xúc trước tình trạng không có chỗ đỗ xe, nếu gửi xe thì mất không ít tiền, trong khi các cơ quan tại đây đùn đẩy trách nhiệm về chỗ đỗ xe.
Đến đây đã rõ, tình trạng “dao sắc không gọt được chuôi” là có thật. Vấn đề là ngoài “rút kinh nghiệm”, TP cũng cần tính sao để diện tích sàn tại khu liên cơ sẽ được bố trí làm trụ sở cho các cơ quan đơn vị nào cho đỡ lãng phí nguồn lực Nhà nước. TP cũng cần yêu cầu các đơn vị muốn “về nhà cũ” phải chứng minh có những khó khăn, vướng mắc tồn tại, có đặc thù công tác như thế nào khi muốn xin về “nhà cũ”, để tránh khỏi tình trạng so bì, để tất cả cùng “tâm phục khẩu phục”.