Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Đồng Tháp về đề nghị đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn.
Về đề xuất bố trí nguồn vốn để tái khởi động dự án QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà giai đoạn 2023 - 2025, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, QL30 đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài hơn 100km. Hiện tại, đã đầu tư khoảng 64km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe. Còn lại khoảng 40km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.
"Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam duy tu thường xuyên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân, đồng thời đầu tư hơn 100 tỷ đồng sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ" - Bộ GTVT cho biết.
Do nguồn lực phân bổ cho Bộ rất hạn hẹp, giai đoạn 2021 - 2025 cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành những dự án đang bị dừng, giãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đã cân đối khoảng 5.111 tỷ đồng để đầu tư 6 dự án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, hiện đã được phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện.
Các dự án bao gồm: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng; dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL54 (giai đoạn 2) tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cẩn Thơ tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng và dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 tổng mức đầu tư 475 tỷ đồng.