Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã dần bão hòa trong vài năm trở lại đây, các ông lớn bất động sản đang tích cực thúc đẩy chiến lược “đánh bắt xa bờ”, tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn ở những thị trường mới thì Thừa Thiên Huế là “điểm ngắm” không thể bỏ qua của các nhà đầu tư.
Quy hoạch, hạ tầng dẫn lối
Theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế được định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn từ 2021 - 2025. Nhằm thúc đẩy định hướng phát triển, Thừa Thiên Huế đã thống nhất sáp nhập 13 xã, phường của các huyện, thị xã vào TP. Huế, mở rộng đô thị lên gấp 5 lần hiện tại. Điều này đã góp phần kích thị trường bất động sản (BĐS) tại Huế trở nên sôi động.
Từ đầu năm 2021, làn sóng đầu tư công vào dải đất miền Trung chính là nơi bắt đầu cho hàng loạt công trình giao thông với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, tuyến đường cao tốc Bắc Nam qua khu địa bàn miền Trung cũng đang dần được hoàn thiện, có thể nói giao thông đối ngoại đến Huế đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho Thừa Thiên Huế hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị trực thuộc trung ương.
Mặt khác, trong những năm qua, TP. Huế đã xây dựng được hình ảnh đô thị thông minh, thành phố xanh - sạch - sáng với hạ tầng đô thị được hoàn thiện và nâng cấp hàng năm, các khu đô thị mới được đầu tư bài bản. Các dự án BĐS tại Huế cũng đóng góp một phần quan trọng trong quá trình hoàn chỉnh hạ tầng đô thị. Thừa thiên Huế đã sớm hoàn chỉnh quy hoạch để kêu gọi các nhà đầu tư đa dạng phân khúc như: các khu đô thị mới, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại, đất nền, phát triển đô thị, BĐS công nghiệp...
Nổi bật nhất phải kể đến dự án TTTM Aeon Mall với tổng đầu tư lên đến 170 triệu USD, dự kiến hình thành trong giai đoạn 2021 - 2023. Sự kiện này đang thu hút hàng loạt sự chú ý của các nhà đầu tư BĐS.
Cùng với “lực đẩy” từ hạ tầng và tốc độ đô thị hóa nhanh, Huế còn được đánh giá là thị trường BĐS sáng giá khi BĐS ở các thành phố lớn đang dần bước vào giai đoạn bão hòa. Trong những năm gần đây, các “ông lớn” BĐS như Bitexco, Apec, BRG... đã đua nhau rót hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án đô thị, nghỉ dưỡng nhằm phát triển và khai thác tối đa tiềm năng du lịch tại đây.
Phát triển trục đô thị Đông – Tây
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian qua, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế hiện nay đã bắt đầu “nóng” trở lại. Đón đầu thị trường BĐS đầy tiềm năng này chính là khu vực huyện Phong Điền. Nhờ quy hoạch tốt, các dự án tại huyện Phong Điền đã tô điểm cho Huế thêm sức sống. Từ đó tạo nền tảng để hình thành và phát triển các loại hình bất động sản, từ bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở đến các khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, trên cơ sở lựa chọn mô hình phát triển, phù hợp với điều kiện địa hình và thực trạng địa phương, Phong Điền định hướng phát triển theo chuỗi đô thị từ đông sang tây. Lấy 4 trục đường đi qua huyện nằm song song nhau làm động lực là đường cao tốc, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B, đường ven biển. Bốn trục đường này được kết nối bằng tuyến đường “huyết mạch” là Tỉnh lộ 9. Đây sẽ là tuyến đường giao thông quan trọng kết nối nhanh từ điểm xuống cao tốc ở xã Phong Mỹ, ra đến cảng biển ở xã Điền Lộc, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi; công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… đều có cơ hội phát triển. Các đô thị mới được hình thành trên trục đường huyết mạch này sau đó mở rộng ra các đô thị vùng ven.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang hình thành hình đi qua địa phận Thừa Thiên Huế. |
Đặc biệt, bước chuyển mình đầu tiên của du lịch Phong Điền trong kế hoạch phát triển gắn với Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, là vào tháng 4/2021, suối Hầm Heo, thượng nguồn sông Ô Lâu đã được công nhận là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sau khi hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu.
Đặc biệt, xác định tiềm năng lợi thế du lịch sinh thái vùng chiến khu Hòa Mỹ xã Phong Mỹ, năm 2020, UBND huyện Phong Điền đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục tại điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) từ đó góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương nơi đây.
Hiện nay, UBND huyện Phong Điền đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 cho điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 3 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và huy động hợp pháp khác hơn 1 tỷ đồng). Điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) sẽ là nơi kết nối các điểm du lịch suối như A Đon, Khe Me... và các điểm di tích lịch sử chiến khu xưa như Bia di tích đoạn cuối đường 71, Nhà Đại chúng, Đình làng Lưu Phước, Bia chiến thắng Đồn Đất Đỏ sẽ tạo nên một chuỗi giá trị về tiềm năng du lịch sinh thái gắn với lịch sử cách mạng của xã Phong Mỹ. Nhờ tiềm năng phát triển vô cùng lớn mà xã Phong Mỹ hiện đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này.
Thời gian đến, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao các tiêu chí đô thị loại IV, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương đang có lợi thế như: xây dựng khu đô thị, khu dân cư; đầu tư khu công nghiệp; đầu tư công trình dịch vụ, thương mại, du lịch; đầu tư phát triển năng lượng, cảng, logistics; đầu tư về nông nghiệp chất lượng cao, lâm ngư nghiệp…
Lực đẩy nhiều chiều từ vị trí ven biển
Có bờ biển trải dài, KKT Chân Mây - Lăng Cô đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Những dự án này như “ngọn hải đăng” lan tỏa và tạo ra lực hút mạnh mẽ các dự án đầu tư khác đến với khu kinh tế.
Với định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao... KKT Chân Mây - Lăng Cô được đánh giá là thị trường bất động sản tiềm năng, sẽ dẫn dắt xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp .
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đô thị Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh quan tâm đầu tư để trở thành đô thị ven biển hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.
Hiện nay, công tác quy hoạch, huy động vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng đã được Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khẩn trương triển khai. Một số hạng mục đã được đưa vào sử dụng như cầu Bù Lu, tuyến 2 vào thôn Cù Dù, đường Tây cảng Chân Mây, đường trung tâm đô thị Chân Mây, khu tái định cư Lộc Vĩnh... Một số tuyến đường thiết yếu phục vụ cho các khu du lịch cũng được đầu tư như đường du lịch Lăng Cô, đường ven biển Cảnh Dương, hệ thống đường ven đầm Lập An, đường ven sông Bù Lu, ven núi Phú Gia. Hệ thống cấp thoát nước, bưu chính viễn thông đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được đánh giá là thị trường bất động sản tiềm năng, dẫn dắt xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp. |
Một lợi thế nữa là hàng năm, Chính phủ đã bố trí một khoản kinh phí riêng để đầu tư cho khu kinh tế (từ 100-150 tỷ đồng), mặc dù nguồn vốn không lớn nhưng đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh, để góp phần hỗ trợ tích cực việc xây dựng, phát triển đô thị Chân Mây theo đúng định hướng quy hoạch, UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA. Trong đó, quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các DA có quy mô lớn như DA Laguna giai đoạn 2, Dự án Bến số 2 và Bến số 3 - Cảng Chân Mây... Đồng thời, phối hợp tăng cường quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, trật tự xây dựng, góp phần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững đô thị trong tương lai.
Sóng đã lên, thời cơ đã đến
Theo số liệu từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hiện tại, toàn tỉnh đã có 10 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị đã được chấp thuận đầu tư, đã và đang triển khai xây dựng với diện tích đất khoảng 230,1ha, cùng khoảng 7.146 căn hộ, tương ứng khoảng 2,032 triệu m2 sàn.
Theo Sở Xây dựng, việc phát triển đa dạng các loại hình BĐS sẽ tạo sự thanh khoản tốt; quy định về cơ cấu các loại nhà ở, đa dạng các loại hình sản phẩm ngay từ khâu quy hoạch, phê duyệt DA, đảm bảo thị trường BĐS phát triển theo quy hoạch. Công khai các đồ án quy hoạch, các DA đầu tư BĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính nhằm vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường BĐS.
Những “cơn gió lớn” từ quy hoạch, hạ tầng và chiến lược thu hút đầu tư của Huế đang bắt đầu nổi lên, chuẩn bị cho những đợt sóng mạnh mà theo dự báo của các chuyên gia, trong một tương lai không xa, Huế sẽ trở thành tâm điểm mới của thị trường bất động sản.