Theo đó, lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là còn có sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu bất động sản (BĐS): nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa, nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các đô thị lớn còn gặp khó khăn, bất cập, đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô. Tình hình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án BĐS chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS vẫn chưa được tổng hợp, báo cáo đầy đủ và liên tục, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như DN, người dân.
Còn một số điểm mâu thuẫn, chưa phù hợp trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở như việc thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu đối với các dự án phát triển nhà ở...
Để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường BĐS, BCĐ yêu cầu, tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và BCĐ trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS.
Làm tốt công tác dự báo cung - cầu, trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án BĐS bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
BCĐ cũng nêu ra một số nhiệm vụ cụ thể. Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tình hình thị trường BĐS giai đoạn 2016-2020; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển thị trường BĐS trong giai đoạn 2021-2025 (đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng; cơ chế kiểm soát thị trường; quản lý và phát triển thị trường theo chương trình, kế hoạch, quy hoạch; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong quản lý và thúc đẩy phát triển thị trường BĐS...) để trình BCĐ.
Chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 101/2015/NĐ-CP trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh,…
Bộ TN&MT chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất với một số loại hình BĐS mới như căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự du lịch (Resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…
UBND các tỉnh thành theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS; Tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.