Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng thời đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của QH.
Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình số 506 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030...
Góp ý về vấn đề cụ thể, Đại biểu Quốc hội (QH) Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) nêu rõ, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã quy định rõ những chỉ tiêu lớn, quan trọng về việc phát triển đô thị. Do đó cần cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào Quy hoạch tổng thể quốc gia để các địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Về định hướng sử dụng đất, Đại biểu cho rằng cần tập trung quản lý chặt chẽ ba loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa và đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác. Qua nghiên cứu, Đại biểu chỉ ra rằng trong báo cáo chưa nhắc đến đất là tư liệu sản xuất. Trong tất cả các nền kinh tế, đất đai phải là tư liệu sản xuất, vừa là nơi tạo ra việc làm, xây dựng các công xưởng, nhà máy và là nơi nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó cần nêu rõ định hướng, quan điểm sử dụng đất trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu QH tỉnh Cà Mau), Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm xây dựng. Đại biểu cho rằng việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải việc làm phổ biến, đa số các quốc gia trên thế giới chỉ có định hướng về mục tiêu dài hạn. Do đó cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng để tránh việc đặt ra mục tiêu, giới hạn thời gian nhưng không đạt được.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tên gọi bởi Luật định ra phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng phải đặt trong mối quan hệ là khái niệm Quốc gia với tư cách là một chủ thể quan hệ Luật Quốc tế và với tư cách là một chủ thể trong nhận thức của mọi người liên quan đến khái niệm về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử;... Trong Luật Quốc tế, quốc gia có bốn yếu tố cấu thành gồm dấu hiệu lãnh thổ, dấu hiệu chính quyền, dấu hiệu dân cư và sinh sống liên tục, năng lực tham gia quan hệ quốc tế.
Do đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đề cập đến bốn yếu tố trên. Tuy nhiên, trong tên gọi lại xác định chủ yếu về kinh tế - xã hội, đây chỉ là một khía cạnh trong khái niệm quốc gia. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải cân nhắc chính xác về khái niệm để có nền tảng về nhận thức cũng như chính trị, pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh góp ý vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn đại biểu QH tỉnh Tuyên Quang) thì chỉ ra rằng kết cấu và bố cục chưa có sự đồng nhất, không có sự nhất quán và nguyên tắc chung. Đơn cử như vấn đề về giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có vùng đề cập đến và có vùng không đề cập; mỗi vùng lại có cách viết khác nhau…, qua đó thể hiện sự thiếu nhất quán, đồng nhất.
Quy hoạch là vấn đề rất quan trọng, nhất là quy hoạch quốc gia bởi đây là đưa ra nguyên tắc chung để có cơ sở cho các quy hoạch ngành, quy hoạch cụ thể… tiếp tục phát triển về lĩnh vực đó. Các địa phương cũng sẽ dựa theo nguyên tắc chung để hoàn chỉnh những quy hoạch trên từng địa bàn. Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, quy hoạch quốc gia là nền tảng cho các quy hoạch khác, do đó nền tảng càng tốt, càng vững chắc, chặt chẽ thì chất lượng các quy hoạch khác sẽ tốt hơn.
Để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, làm rõ hiện trạng mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch này gắn liền với việc sửa đổi Luật Đất đai.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như kết quả thực hiện; bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách...
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan của Chính phủ thực hiện chỉnh lý, các đại biểu cho ý kiến về việc cho phép tiếp tục thực hiện thanh toán chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế; chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết 30/2021/QH15 và Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 cho đến hết ngày 31/12/2023; việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.