Gương sáng Pháp luật

Anh hùng Đinh Thế Văn và chuyện hồi sinh phường rối nước Đào Thục

Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn giới thiệu ảnh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới
Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn giới thiệu ảnh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới
(PLVN) - Trở về đời thường sau kỳ tích chỉ đạo bắn rơi 4 máy bay B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm oanh liệt - chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không diễn ra tháng 12/1972, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đinh Thế Văn đã cùng với chính quyền và nhân dân làng Đào Thục làm hồi sinh phường rối nước nổi tiếng, thiết kế những con rối chưa từng có trong lịch sử để dựng vở rối nước “ Hà Nội chiến thắng B-52 ” .

Từ văn hóa lớp 5 đến Tiểu đoàn trưởng 33 tuổi

Đại tá, Anh hùng LLVTND Đinh Thế Văn sinh năm 1938, quê làng rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. 16 tuổi, nặng 38 kg, đang học học kỳ I lớp 5, Đinh Thế Văn xung phong nhập ngũ nhưng bị đơn vị tuyển quân trả về.

Vậy là Đinh Thế Văn trốn gia đình theo đoàn thanh niên xung phong (TNXP)đi phá đá, làm đường Lạng Sơn - Cao Bằng. Một tháng sau, toàn bộ đoàn TNXP được chuyển sang các đơn vị quân đội, trừ Đinh Thế Văn.

Đơn vị đi được một cây số, chàng trai trẻ vội vàng chạy theo, nằn nì mãi nên được chỉ huy nhận vào đơn vị, chính thức nhập ngũ với vai trò là chiến sĩ pháo binh. Có 38 kg nhưng trên vai ông Văn lúc nào cũng vác 28 kg, gồm 1 hòm đạn pháo 12 ly 7 nặng 20 kg, 1 bao gạo 5 cân, 1 cuốc, 1 xẻng, 1 ba lô tư trang.

Hồi đi bộ đội, Đinh Thế Văn mới học hết lớp 5, đánh trận bằng pháo 12 ly 7. Muốn làm lính pháo cao xạ, bắn máy bay phải giỏi về vô tuyến, ít nhất phải có bằng trung cấp vô tuyến điện (VTĐ). Muốn học trung cấp phải tốt nghiệp lớp 7, tức cấp 2 hồi đó.

Vậy là chàng trai trẻ miệt mài học bổ túc văn hóa, nhanh chóng tốt nghiệp cấp 2, sau đó học và tốt nghiệp trung cấp VTĐ. Năm 1965, ông Văn thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội ngành VTĐ được một tháng thì tái ngũ.

Nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, năm 1971, khi 33 tuổi, ông Đinh Thế Văn trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, đóng quân tại làng Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Kỳ tích chỉ đạo bắn rơi 4 máy bay B-52

Đại tá Văn dẫn chúng tôi lên tầng hai nhà mình, nơi ông dành riêng một phòng để trưng bày, lưu giữ những bức ảnh, kỷ vật ghi dấu lúc ông tham gia Chiến dịch Phòng không (CDPK) tháng 12/1972.

Máy bay B-52 khi ấy được ví là “siêu pháo đài bay” bất khả chiến bại của quân đội Mỹ, chưa có nước nào bắn rơi. Mỗi chiếc B-52 có thể chở theo 30 tấn vũ khí.

Chúng bay ở tầm cao trên 10.000 mét nên ngoại trừ tên lửa SAM-2 của Nga, không một loại đạn pháo cao xạ nào của Việt Nam có thể bắn tới. Tên lửa SAM-2 ra đời từ thế chiến thứ hai, đã được trung, đại tu nhiều lần nhưng được đánh giá không thể đánh được máy bay B-52.

Đại tá, anh hùng Đinh Thế Văn đã 86 tuổi nhưng rất mạnh khỏe, minh mẫn

Đại tá, anh hùng Đinh Thế Văn đã 86 tuổi nhưng rất mạnh khỏe, minh mẫn

86 tuổi, mạnh khỏe, minh mẫn, Đại tá Văn kể chuyện đánh B-52 với một hình dung dễ hiểu: “Bộ đội phòng không đánh máy bay là đánh bằng tín hiệu, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Phương pháp đánh B-52 bằng khí tài tên lửa khi đó có hai cách: một là đánh bằng phương pháp 3 điểm. Phương pháp này được chọn để huấn luyện vì không ai nghĩ có thể đánh B-52 bằng phương pháp “vượt nửa góc” (phương pháp chính của bộ khí tài SAM-2).

Điểm mạnh của B52 là gây nhiễu vì mỗi B-52 có 15 máy gây nhiễu. Mỗi khi xuất kích, B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, cùng với sự yểm trợ của các loại máy bay F4, F105, tổng cộng 51 máy gây nhiễu. Với cách đánh này, giải nhiễu của máy bay địch bịt mắt tên lửa, không thể nhìn, bắt được nó khiến ra đa của ta không thể phát hiện được máy bay B-52. Nếu cứ thấy tín hiệu là phóng tên lửa SAM-2 thì rất tốn đạn, xác suất lại kém”.

Phương pháp thứ 2 là “vượt nửa góc”. Giải thích về tính ưu việt của phương pháp “vượt nửa góc”, Đại tá Văn cho biết: “Trắc thủ của ta có thể phân biệt được nhiễu của B-52 do giải nhiễu của nó rất nặng và ổn định. Khi ra đa bám mục tiêu (B-52) thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu tạo một góc. “Vượt nửa góc” nghĩa là quả tên lửa do ta điều khiển làm sao phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi máy bay gần đến điểm bằng không, tên lửa bắn lên, xác suất bắn trúng là 98%. Cách đánh này xác suất tiêu diệt cao, vừa tiết kiệm đạn vừa bắn rơi được B-52 tại chỗ. Vì vậy chúng tôi chọn cách đánh “vượt nửa góc”.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên trắc thủ chuẩn bị đạn Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 kể: “So với cách đánh “bắn ba điểm” được huấn luyện kỹ lưỡng, cách đánh “vượt nửa góc” do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn sáng tạo và chỉ đạo anh em trong kíp trắc thủ chúng tôi thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra đa kịp thời, đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm và có sự phối hợp đồng bộ, trên hết là phải có lòng dũng cảm. Do đó, toàn kíp chiến đấu gồm Tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ phải hiệp đồng chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong thao tác để chỉ trong vòng 60 giây phải hoàn thành một trận đánh.

Ngay khi khói bom vừa dứt, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới này”.

Bằng phương pháp “vượt nửa góc”, trong CDPK Hà Nội-Hải Phòng cuối tháng 12/1972, Tiểu đoàn 77 đã lập nên một kỳ tích vang dội: Bắn rơi 4 chiếc máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, trong đó 3 chiếc rơi tại chỗ. Với chiến công xuất sắc này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong những đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất.

Đại tá Văn kể tiếp: “Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, chưa kịp về Trung ương báo cáo, đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ về Hà Nội, sau khi xuống sân bay đã đến thẳng Tiểu đoàn 77 và nói: “Cảm ơn các đồng chí bộ đội tên lửa phòng không. Cảm ơn quân và dân Hà Nội, chính các đồng chí đã quyết định ký thắng lợi cho Việt Nam ở Hội nghị Paris”.

Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn và tác giả

Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn và tác giả

Hồi sinh phường rối Đào Thục

Năm 1989, Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu, về làm “lão chiến sĩ” kiêm “lão nghệ nhân” của làng Đào Thục. Cụ Đinh Văn Viết, bố đẻ ông Văn vốn là ông trùm rối nước, một nghệ nhân đục đẽo, chế tác các con rối có tiếng của làng Đào Thục. Vì vậy, từ bé cậu con trai út Đinh Thế Văn đã được kế thừa nghề tổ.

Múa rối nước Đào Thục đã có truyền thống gần 400 năm từ thế kỷ XVII, không chỉ là nét văn hóa độc đáo mà còn là vốn liếng văn hóa tổ tiên để lại cho muôn đời sau. Thời điểm ông Văn nghỉ hưu, rối nước truyền thống Đào Thục gặp rất nhiều khó khăn.

Lưng vốn của Đào Thục chỉ là hơn 20 nghệ sĩ nông dân và vài chục tích trò như: “Ba khí giáo trò”, “Lên võng xuống nước”, “Trâu chui ống”, Múa tiên”, “Câu ếch”, “Chọi trâu”, “Đấu vật”… Những vở diễn tích cũ trò xưa dần đã “mòn”, không thu hút được người xem.

 Anh hùng Đinh Thế Văn và chuyện hồi sinh phường rối nước Đào Thục ảnh 3Nhà thủy đình làng rối nước Đào Thục

Vậy làm sao để đổi mới, kéo khán giả quay lại với rối nước? Đầu tiên phải xây dựng thủy đình, sau đó là truyền nghề cho lớp trẻ để bảo tồn, rồi tạo dựng các vở rối mới để hút khán giả trong và ngoài nước, biến làng thành trung tâm du lịch.

Năm 1980, bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết và những trải nghiệm thực tế, Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn đã viết kịch bản “Hà Nội chiến thắng B-52”. Kịch bản của ông Văn được đạo diễn, ông trùm rối cạn Mạnh Hùng, Nhà hát múa rối Thăng Long về học nghề múa rối nước với bố ông Văn - Cụ Đinh Văn Viết đạo diễn. Còn các con rối bộ đội, những cô dân quân, những chiếc máy bay Mỹ, những quả tên lửa… do bố ông Văn đẽo gọt, chế tác.

Để có tiền xây dựng thủy đình múa rối nước, năm 1997, ông Văn đã cùng với ông Nghị Phường trưởng Phường rối nước Đào Thục đi khắp nơi xin kinh phí.

Khi đó, theo Nghị quyết Trung ương V Khóa VIII của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa được chú trọng nên đề xuất của phường rối được các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, quyên góp được gần 100 triệu đồng xây dựng nhà thủy đình.

Sau khi có thủy đình, năm 2003, phường rối đã hoạt động trở lại, thường xuyên biểu diễn phục vụ những ngày lễ lớn và ngày Tết, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Về đời tư, ông Văn cưới vợ năm 1959. Vợ ông là Phạm Thị Tuyến, cô gái xinh đẹp của làng Cổ Miếu, cách Đào Thục vài cây số. 6 năm sau, hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc đón cậu con trai đầu lòng, được đặt tên Thọ vì khi đó ông Văn đóng quân ở Phú Thọ.

Hiện anh Đinh Trường Thọ, con trai ông bà là Bí thư Quận ủy Đống Đa, TP. Hà Nội. Cô con gái sinh năm1968 được đặt tên Hà vì khi đó ông Văn chiến đấu ở Hà Nội. Chị Hà hiện làm việc ở Văn phòng UBND xã Thụy Lâm.

Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết: “Là Anh hùng từ chiến trường trở về, Đại tá Đinh Thế Văn đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của làng Đào Thục như quyên góp xây đình, xây chùa, xây thủy đình…; góp phần bảo vệ vốn văn hóa dân gian cổ truyền: múa rối nước; thực hiện đúng khẩu hiệu của người cao tuổi là: “Sống vui, sống khỏe, sống có ích.”. ”

Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12/1972, giữa năm 1973, Tiểu đoàn 77 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đọc thêm

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm việc với Đồng Nai: “Đồng Nai là điển hình của công tác PBGDPL”

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm việc với Đồng Nai: “Đồng Nai là điển hình của công tác PBGDPL”
(PLVN) - Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương, chiều 12/9/2024, Đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương làm việc với huyện Thống Nhất (Đồng Nai)

Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương làm việc với huyện Thống Nhất (Đồng Nai)
(PLVN) - Sáng 12/9/2024, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương do ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp, làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Cùng đi có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Trường Đại học Luật Hà Nội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại và hỗ trợ giáo dục vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Trường Đại học Luật Hà Nội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại và hỗ trợ giáo dục vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ
(PLVN) -Trong 2 ngày11 và 12/9, Công đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội đã ủng hộ 250.000.000 đồng để cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Bộ Tư pháp, phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn, Bắc Ninh ủng hộ đồng bào và hỗ trợ giáo dục vùng bị ảnh hưởng bão lũ.

Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Cần đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống

TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Phó trưởng Ban soạn thảo Đề án phát biểu khai mạc hội thảo
(PLVN) -  Chiều 11/09, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo “ Đề án chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025-2030 ” do TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật , Bộ Tư pháp , Phó Trưởng ban Ban soạn thảo Đề án và ô ng Phạm Quang Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(PLVN) - Ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Đề án 979). Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 979, ngày 09/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1666/QĐ-BTP ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

TP Hồ Chí Minh: Nhiều mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc phát biểu chỉ đạo tọa đàm
(PLVN) -  Sáng ngày 11/9, tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Tọa đàm Trao đổi, nắm bắt thông tin về việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tình hình thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022; số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Tư pháp tổ chức.

Khánh Hòa tập huấn kỹ năng chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính

Các đại biểu tham dự hội nghị.
(PLVN) - Ngày 11/9, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức và các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương.