Theo bà Tám, tính đến sáng 18/11, số bệnh nhân được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long là 225 trường hợp, bao gồm 223 trẻ mầm non và 2 giáo viên. Trong số đó, đến sáng 18/11, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long còn khoảng 190 trường hợp đang tiếp tục được theo dõi, điều trị. Ngoài ra, có 9 trường hợp được chuyển lên Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới TƯ theo yêu cầu của gia đình, hiện sức khỏe đã ổn định.
Ngay sau vụ việc, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện phối hợp với với Phòng Y tế, UBND các xã, thị trấn quán triệt ngay việc bảo đảm an toàn thực phẩm đến các nhà trường, đồng thời yêu cầu Ban Giám hiệu các trường tuyệt đối không được tổ chức các bữa ăn buffet, không bảo đảm an toàn để chế biến trong các nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh, đây là bài học đáng tiếc về bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn nói chung và ở các cơ sở giáo dục nói riêng. Huyện đã nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ bếp ăn tập thể ở các trường học trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ tham gia nấu ăn, đơn vị ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho các bếp ăn…”, bà Nguyễn Thị Tám cho biết.
Trưa 14/11, Trường Mầm non Xuân Nộn đã tổ chức liên hoan buffet cho cô và trò nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đến ngày 15/11, một số trẻ của Trường Mầm non Xuân Nộn được nhập viện với các biểu hiện sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài... Kết quả cấy vi khuẩn trên bệnh phẩm của bệnh nhân được Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới TƯ thực hiện phát hiện các bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Sanmonella type 2. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh Nguyễn Quốc Tiến cho biết, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đang tiến hành phân tích mẫu thực phẩm của các bệnh nhi để xác định nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc thực phẩm.