Báo cáo mang tên Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu gọi tắt là Viễn cảnh (Global Infrastructure Outlook). Báo cáo công bố khoản chi phí ước tính để trang bị cơ sở hạ tầng nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới và bước đầu thu hẹp các khoảng cách hạ tầng, vào khoảng 94 nghìn tỷ USD Mỹ cho tới năm 2040.
Báo cáo cũng chỉ ra còn cần thêm 3,5 nghìn tỷ USD nữa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm đảm bảo cho các hộ gia đình trên toàn thế giới tiếp cận được nguồn nước uống và điện năng vào năm 2030 – nâng tổng mức giá trị đầu tư lên 97 nghìn tỷ USD Mỹ.
Báo cáo Viễn cảnh, có thể được truy cập thông qua công cụ trực tuyến, cũng tiết lộ rằng khoảng 18 nghìn tỷ đô la, tương ứng 19% tổng giá trị đầu tư nói trên, sẽ không được cung ứng nếu các xu hướng chi tiêu vẫn tiếp diễn như hiện nay.
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng theo vùng từ 2016 - 2040 (tỷ USD Mỹ) |
Mỗi năm sẽ cần đến khoảng 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của dân số toàn cầu, tương đương với tổng giá trị GDP hàng năm của Đức – nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Và để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về tiếp cận nước sạch và điện năng, mức đầu tư dự kiến phải tăng thêm 236 tỷ đô la mỗi năm cho tới năm 2030 – thời hạn hoàn thành các mục tiêu này.
Đây là thách thức lớn không chỉ đối với các nền kinh tế mới nổi đang cần xây hạ tầng mới, mà còn đối với những quốc gia đã phát triển hiện đang sở hữu những hệ thống hạ tầng xuống cấp cần được thay thế.
Hoa Kỳ là quốc gia sẽ có mức thiếu hụt chi tiêu cho hạ tầng cao nhất, ở mức 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc có nhu cầu phát triển hạ tầng lớn nhất, đạt 28 nghìn tỷ - chiếm tới 30% tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng toàn cầu.
Thành quả cuối cùng của mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030 phụ thuộc vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng. Với các xu hướng như hiện nay, sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đầu tư để đáp ứng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững liên quan tới nước uống và điện năng.
Báo cáo chỉ ra rằng với xu hướng hiện tại, châu Á, không bao gồm Trung Quốc, sẽ đầu tư 19,7 nghìn tỷ đô la từ năm 2016 tới năm 2040. Nếu xét theo kịch bản nhu cầu đầu tư, con số này sẽ cần tăng khoảng 13%, đạt 22,4 nghìn tỷ, hay xấp xỉ 900 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Trong đó, Việt Nam được dự đoán sẽ đạt được 83% tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng. Khoảng cách lớn nhất nằm ở khối ngành đường bộ với nhu cầu vốn đầu tư tăng thêm 70% để đáp ứng các nhu cầu dự đoán. Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Việt Nam sẽ cần gia tăng đáng kể đầu tư vào hạ tầng nước sạch.
Tổng nhu cầu đầu tư đã bao gồm các hạng mục trong khuôn khổ mục tiêu LHQ sẽ cao gần gấp đôi tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng trong xu hướng hiện tại.
Tổng đầu tư, nhu cầu và khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng theo vùng từ 2016 - 2040 |
Báo cáo Viễn cảnh cũng chỉ ra rằng:
• Cho tới năm 2040, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm gần 2 tỷ người – tương ứng mức tăng 25%. Xu hướng dịch chuyển dân cư từ nông thôn ra thành thị sẽ tiếp diễn, với tỷ lệ dân số thành thị tăng thêm 46%, kéo theo nhu cầu khổng lồ về hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
• Châu Á là nơi có nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, ở mức 52 nghìn tỷ đô la Mỹ cho tới năm 2040.
• Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về cung cấp điện năng và nước sạch, sẽ cần thêm 3,5 nghìn tỷ đô la Mỹ so với mức hiện tại để lấp đầy khoảng cách trong đầu tư hạ tầng.
• Thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu sẽ đòi hỏi mức đầu tư hạ tầng thường niên tăng từ 3% tổng giá trị GDP toàn cầu như hiện nay lên mức 3,5%. Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đòi hỏi mức đầu tư tăng lên 3,7% từ nay cho tới năm 2030.
• Khối ngành đường bộ và điện năng đòi hỏi kinh phí lớn nhất do xu hướng đô thị hóa đang gia tăng trên toàn thế giới.
Báo cáo Viễn cảnh là dự án hàng đầu thế giới với những phân tích chi tiết và công cụ trực tuyến. Đây là kết quả nghiên cứu chuyên sâu về 50 quốc gia và 7 lĩnh vực được thực hiện bởi Trung tâm Hạ tầng toàn cầu - GI Hub và Oxford Economics, đơn vị hàng đầu về dự báo toàn cầu và phân tích định lượng.
“Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu là một báo cáo phân tích toàn diện và chi tiết nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng. Báo cáo đưa ra những số liệu mới về quốc gia và lĩnh vực mà các chính phủ và các tổ chức tài trợ luôn tìm kiếm”, ông Chris Heathcote, Giám đốc Điều hành GI Hub chia sẻ.
“Báo cáo nêu bật 3 nội dung quan trọng, mỗi quốc gia cần chi ra bao nhiêu cho cơ sở hạ tầng từ nay cho tới năm 2040, cần đầu tư ở đâu trong mỗi lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và xu hướng đầu tư hiện tại là bao nhiêu”.
“Quan trọng hơn cả, báo cáo tham vấn cho các chính phủ và khu vực tư nhân về việc những nhu cầu lớn nhất đang nằm ở đâu, và cần đầu tư bao nhiêu vào cơ sở hạ tầng phục vụ các cộng đồng trong tương lai”.
“Chúng tôi tin rằng những thông tin này có ý nghĩa quan trọng đối với các chính phủ, và các tổ chức cấp vốn, lập kế hoạch và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai – đồng thời đem lại những lợi ích xã hội và kinh tế cho các thành phố bền vững”.
GI Hub được thành lập theo yêu cầu của các quốc gia G20 nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của những cơ hội dành cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân. Hoạt động của GI Hub là hỗ trợ các chính phủ cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng khả thi và hiệu quả hơn cho lĩnh vực tư nhân, xác định các yêu cầu cải cách, các khuynh hướng lập kế hoạch và chiến lược quản lý rủi ro để thúc đẩy hợp tác công-tư cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng.