Cưỡi xe bò đi tặng quà Giáng sinh và Tết
Giáng sinh ở các nước châu Âu luôn rực rỡ ánh đèn, tràn ngập sắc màu của cây thông Noel, những buổi hội chợ và những lễ diễu hành giữa khung cảnh tuyết trắng đẹp như tranh vẽ. Nhưng Giáng sinh ở châu Phi lại hoàn toàn khác, đặc biệt là đất nước Angola, nơi mà cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu hàng ngày ở phần đa dân số.
Với điều kiện kinh tế hiện tại của mình, để người dân nghèo nơi đây có thể tổ chức một lễ hội lớn là điều không thể. Tuy nhiên năm nay đã khác, Quang Linh Vlogs và những thành viên của team châu Phi đã giúp đỡ người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo cũng như mang tấm lòng của các nhà hảo tâm người Việt Nam đến với những hoàn cảnh khó khăn ở châu Phi.
Sau khoảng thời gian sinh sống và làm việc cùng người dân các anh em trong team châu Phi biết được hầu như tất cả mọi người nơi đây đều theo công giáo. Mỗi chủ nhật hàng tuần người dân đều gác lại hết mọi công việc để tập trung đến nhà thờ cùng nhau làm lễ cầu nguyện. Nhận thấy rằng, ngày lễ Noel được coi là vô cùng quan trọng đối với người dân, Quang Linh cùng các cộng sự của mình đã lên kế hoạch tổ chức tiệc và phát quà cho họ với mong muốn đem lại chút niềm vui cùng lòng tôn trọng, yêu mến người dân châu Phi.
Thông qua sự góp sức ủng hộ của các mạnh thường quân Việt Nam mỗi thành viên trong team châu Phi đều mang tới cho người dân bản địa cũng như những em nhỏ mồ côi những phần quà vô cùng quý giá và ý nghĩa. Hầu như tất cả các bản làng và các em nhỏ mồ côi đều đã được nhận quà trước ngày lễ Noel. Những phần quà đơn giản như những bộ đồ mới, gói bánh, gói kẹo nho nhỏ hay lớn hơn là một bao gạo để mỗi gia đình có thể đón ngày lễ quan trọng nhất năm với bữa cơm no.
Khó khăn nhất trong công tác phát quà có lẽ là tại nơi của Quang Linh vlogs bởi lẽ nơi bản làng Sanzala (thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo) muốn gửi những món quà Giáng sinh người dân lại không sống tập trung như những bản của các thành viên khác. Họ sống phân bố một cách rất xa nhau theo từng gia đình nên muốn phát quà thì anh phải di chuyển những quãng đường khá là xa. Mục đích của anh là có thể đi phát hết hơn 100 phần quà của mình đã chuẩn bị. Mỗi gói quà bao gồm: 6 chai nước ngọt; 1kg gạo; 1 túi bột giặt; 3 gói miến; 1 gói kẹo và rất nhiều bánh; đồ chơi cho các bé cùng một ít tiền mặt.
Quang Linh cùng cộng sự gửi tới người dân nghèo Angola những món quà ý nghĩa trong dịp Giáng sinh và Tết. |
Tuy vậy, hành trình phát quà lại gặp nhiều khó khăn do khoảng cách địa lý và phương tiện, trong hoàn cảnh đó, Quang Linh đã nghĩ ra một cách hết sức độc đáo khiến nhiều người không thể ngờ tới đó chính là dùng chiếc xe bò của người dân bản địa để đi đến từng nhà phát quà Giáng sinh. Chiếc xe được anh em trong team gọi đùa là cỗ xe tuần lộc châu Phi. Đi cùng với Quang Linh là ba “ông già Noel” đồng thời cũng là ba thành viên người bản địa kỳ cựu đã đồng hành cùng với anh từ rất lâu trước đây.
Khi Quang Linh mang những phần quà ấy gửi tặng tới người dân khiến họ không khỏi bất ngờ và vui mừng. Tất cả những lời chia sẻ của người dân đều hoàn toàn bất ngờ và không thể tin được trong đời họ có thể nhận được những món quà ý nghĩa và giá trị như vậy. Món quà Giáng sinh đến từ những người xa lạ không quen biết. Đây cũng là lần đầu tiên họ được chứng kiến cảnh tượng ông già Noel trên cỗ xe bò với đầy ắp túi quà đi đến kèm theo lời chúc “Giáng sinh An Lành”. Một cảnh tượng hết sức lạ lẫm và cũng rất cảm động đến từ những con người Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở những món quà Quang Linh và những cộng sự trong team châu Phi còn tổ chức cho người dân và các em nhỏ những bữa đại tiệc vô cùng hoành tráng và sôi động.
Những bao gạo từ các nhà hảo tâm Việt Nam được Quang Linh cùng cộng sự mang tới người dân châu Phi. |
Xong Tết người mới tới Tết mình
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió, Phạm Quang Linh (SN 1997) sớm đã thấm thía cái nghèo khó khi còn là một cậu bé. Năm 2016, tốt nghiệp phổ thông, Linh quyết định đến Luanda, Thủ đô Angola tận châu Phi xa xôi để lập nghiệp.
Khi sang tới đất nước châu Phi, Linh may mắn gặp được những người bạn bản địa hiền lành và yêu mến người Việt Nam. “Những người Angola mà mình có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc cùng thân thiện và tốt tính lắm.
Sang bên này rồi mới biết, người Việt rất được quý ở Angola chứ không hề bị kỳ thị chút nào. Nhiều khi mình còn có cảm giác, chỉ cần người Angola nói tiếng Việt nữa thôi thì mình với họ cũng chẳng khác gì những người Việt với nhau”, Quang Linh nói về tình cảm của người dân châu Phi đối với người Việt. Ở đó, những người bạn như Manuel Arlindo (thường gọi là Lindo) dần trở thành người thân, đồng hành với Quang Linh suốt hành trình sau này.
Sau một thời gian làm xây dựng, Quang Linh tích cóp được chút vốn và quyết định mở xưởng làm đá lạnh ở một khu phố nhỏ bên bờ biển Luanda. Anh rủ Lindo về làm cùng với nhiều người khác. Làm quản lý xưởng đá, trong thời gian rảnh, Quang Linh đã lên ý tưởng về việc lập một kênh Youtube ghi lại cuộc sống của mình và những người bạn tại Angola.
“Mục đích ban đầu mình muốn đăng tải các video lên mạng không phải vì kiếm tiền mà chỉ muốn có chỗ lưu lại những kỷ niệm của bản thân ở nơi xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa này”, Linh kể.
Ngôi nhà tình thương mà Quang Linh mới xây dựng và nhận nuôi 10 em nhỏ mồ côi. |
Kênh Youtube của Quang Linh ban đầu chỉ mang tính giải trí, giới thiệu văn hóa Việt Nam, những khoảnh khắc trêu đùa đồng nghiệp của mình. Sau một thời gian, khi nhiều lần trao đổi, tâm sự với những người đồng nghiệp châu Phi, Quang Linh dần nhận thấy nhiều tâm tư trong mỗi người. Đều xuất thân từ gia đình nghèo khó nên những người bạn châu Phi của Quang Linh đều có chung mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Quang Linh bắt đầu sự giúp đỡ của mình bằng cách thêm tiền cho đồng nghiệp gửi về quê, mua cho họ một chiếc điện thoại, một bộ quần áo mới, về quê của từng đồng nghiệp để giúp cả xóm làng... Dần dà, Linh nghĩ đến việc phải tìm cách giúp đỡ thêm nhiều người nghèo ở Angola, bởi đi đến đâu Quang Linh cũng nhìn thấy những hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Khi bắt đầu hoạt động thiện nguyện, Quang Linh cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về kinh tế: “Khi quyết định rẽ hướng từ kiếm tiền mưu sinh sang các hoạt động vì cộng đồng, cuộc sống ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, dần dần mình không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà mục đích lớn hơn là muốn bản thân được thêm trải nghiệm. Đồng thời, khi giúp đỡ người khác, mình thấy vui hơn”.
Có thêm vốn từ xưởng đá, Quang Linh mở cửa hàng bán giày trên mạng. Những hình ảnh trên hai kênh YouTube: Quang Linh Vlogs, Ẩm thực châu Phi dần thu hút lượng lớn người xem, được bật kiếm tiền. Từng đó thu nhập chưa nhiều nhưng đủ để chàng trai trẻ quyết định chọn một con đường đi hoàn toàn mới, lạ lẫm ở đất nước nghèo của châu Phi. Đó là hành trình vừa làm YouTuber, vừa kiếm tiền qua kinh doanh để thực hiện những điều có ích cho cộng đồng bản địa.
Những ngày đầu mới về quê Lindo, Quang Linh cùng đồng đội thường xuyên tổ chức nấu những món ăn thuần Việt như bún riêu cua, thịt gà xào sả ớt, nem rán... cho người dân và đặc biệt là trẻ em tại Bailundo. Đây là những trải nghiệm mà người dân ở đó chưa bao giờ có.
Không chỉ dừng lại ở làm đồ ăn, khi thấy vùng quê này không có nước sạch để sử dụng, team châu Phi của Quang Linh đã khoan giếng nước ngầm. Quang Linh quyết định bỏ tiền, thuê thợ ở Luanda (cách làng Sanzala khoảng 200km) đến khoan tìm nước ngọt. Và chỉ sau 3 giờ, giấc mơ có nước sạch lần đầu trong đời đã thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của những người dân.
Khi nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ nhưng người dân lại không biết canh tác nên rau xanh trở thành một mặt hàng vô cùng khan hiếm, đắt đỏ. Biết chuyện, Linh đã cùng team mua hạt giống và mang những kiến thức “con nhà nông” để tạo ra những mảnh vườn giúp người dân có thể tự trồng trọt và làm nông nghiệp.
Bằng kinh nghiệm làm nông trước đây ở Việt Nam, họ hướng dẫn người dân cách trồng rau đúng cách, thu hoạch như thế nào. Thậm chí, cả cách chế biến rau thành món ăn. Những lứa dưa chuột, rau cải... đầu tiên được đưa ra chợ bán, thu lại một khoản tiền để tái trồng trọt. Hiện nay, team châu Phi cùng người dân bản địa đã đưa được nước suối về để tưới rau, hy vọng tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau ra nhiều hộ dân, khu vực khác phù hợp trong vùng.