Yêu sử qua lăng kính của giới trẻ

Yêu sử qua lăng kính của giới trẻ
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi mùa thi, những thông tin về điểm số môn lịch sử lại gây choáng váng. Những bài thi lạ, những điểm liệt lên tới con số hàng ngàn. Nhưng việc đánh giá hiểu biết môn sử chỉ trong khuôn khổ nhà trường liệu có còn đúng? Khi ngày nay các bạn trẻ có thể tự học, tự tìm hiểu và có những cách thể hiện tình yêu nước không còn ở câu chuyện “ thuộc lòng” các bài học…

Không chọn sử có phải là không yêu nước?

Dịp Tết Đoan ngọ mùng 5/5 vừa qua, sau khi đi tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, tôi cùng một người bạn tên Diệu Ly ngồi cạnh nhau ăn một bát cơm rượu, uống cốc trà đá ở quán nước vỉa hè. Ly là người dễ say, ăn vài muỗng cơm rượu lớn đã ngà ngà, bạn “bon miệng” kể hết mọi chuyện. Diệu Ly chia sẻ, hồi đi học cô bạn rất ghét môn lịch sử: “Nếu phải học môn lịch sử, thà mình đọc “Những người khốn khổ còn hơn”. Môn gì đâu toàn sự kiện, nhiều nhân vật, suốt ngày nhớ mấy cái chi tiết tủn mủn, lằng nhằng, học thuộc thì lắm”. Khi được hỏi, truyện cũng nhiều sự kiện, nhân vật, sao bạn vẫn đọc hàng tá quyển. Thậm chí Diệu Ly còn tốt nghiệp văn bằng kép ngành Văn học và Sư phạm văn của trường ĐH Sư Phạm Hà

Nội 1. Ly chép miệng, nói: “Vì truyện đâu có khô như sử! Nhân vật của người ta có tính cách, số phận, suy nghĩ, ngoại hình. Đọc sử đau hết cả mắt, được một lúc là ngủ ngon hơn việc đếm cừu”...

“Không chọn sử có phải là không yêu nước? “ - Quang Hưng sinh viên khoa Lịch sử - ĐHKHXH & NV cho rằng điều này là không đúng: “Nếu như không chọn sử là không yêu nước, vậy thì chọn tiếng Anh là phản quốc? Thực tế, chúng ta từng có 20 năm ròng rã chống Mỹ cứu nước. Trong lịch sử cũng có thời kỳ nhà Trần với Trần Ích Tắc thông thạo sử sách, văn chương là vị hoàng tử toàn tài vẫn đầu hàng quân Nguyên Mông, bán nước theo giặc. Nhưng cũng có một Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật “bậc thầy ngoại ngữ của An Nam” lại là một trong những người có công lớn trong việc chống quân Nguyên. Vì vậy không thể dùng hiện tượng để quy chụp mọi thứ!”.

Còn Lưu Quang Vinh - sinh viên khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội, có ý kiến: “Việc lựa chọn lịch sử hay không, do định hướng nghề nghiệp của mỗi học sinh. Bạn không thể bắt một người có thiên phú toán, lý, hóa phải viết thơ làm văn, thuộc sử vanh vách được. Giỏi sử là rất tốt! Nhưng có những kẻ phản động lợi dụng lịch sử để tuyên truyền sai lệch, chống phá đất nước. Trong khi sau cách mạng tháng 8/1945, có đến 90% dân ta đều mù chữ! Có thể họ không thuộc lòng các sự kiện lịch sử, nhưng đó đều là những người đã hi sinh biết bao máu mủ, ruột thịt của mình. Đó là con em, cha anh họ đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, để bảo vệ đất nước! Biết bao bà mẹ Việt Nam đã tiễn chồng, tiễn con ra trận, và rồi những người lính ấy đã mãi mãi không thể trở về… ”.

lLưu Quang Vinh - ĐHSPHN.

lLưu Quang Vinh - ĐHSPHN.

Trần Phương – Thạc sĩ Xây dựng và công nghiệp cũng cho rằng, dù bạn chọn học ngành tự nhiên, không hề lựa chọn hay sử dụng môn sử trong những kì thi tốt nghiệp của mình. Nhưng bản thân Phương vẫn tìm hiểu về lịch sử, dù bộ môn không cho bạn nhiều kiến thức về công việc tại: “Với lịch sử Việt Nam, đó là lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Tôi tin rằng, mỗi người dân trên thế giới đều tự hào về lịch sử quốc gia mình”. Phương cũng cho biết quan điểm của bạn về việc học môn sử không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tình yêu nước: “Có những người không có nhiều kiến thức lịch sử dân tộc, nhưng khi kẻ thù xâm lược, họ vẫn sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ đất nước. Việc đó có phải là lòng yêu nước không? Lòng yêu nước được thể hiện qua nhiều hành động, việc làm. Những gì chúng ta làm có ích cho đất nước, đó là lòng yêu nước!”…

“Hãy coi lịch sử như câu chuyện về quá khứ của bố mẹ chúng ta”

Tâm sự với Lưu Quang Vinh – chàng trai đầy nghị lực của khoa Ngữ Văn (ĐHSP Hà Nội), bạn cho rằng có rất nhiều cách tiếp cận lịch sử trong thời hiện đại, bản thân không học sử thông qua những quyển sách giáo khoa: “Lần đầu tiên mình đến với môn sử là vào khoảng năm 2004 – 2005. Khi đó, xem VTV2 thường có những mẩu tin lịch sử nhỏ chạy ở dưới chương trình. Ban đầu chỉ coi cho vui thôi, nhưng sau bắt đầu thấy hay, rồi dần vỡ ra thời Lý, Trần cũng có nhiều điều thú vị như vậy. Mình bắt đầu tò mò, mua sách về đọc, quyển đầu tiên đến giờ vẫn nhớ đó là “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Thư & Đỗ Đức Dục”.

Đặc biệt, Vinh cho biết một số kênh trên youtube về lịch sử rất hay, thông qua video, tranh vẽ minh họa, các nhân vật, sự kiện lịch sử trở nên gần gũi hơn, họ không còn là những người xa lạ, “tối cổ” nữa.

Quang Hưng cũng cho rằng, các nhân vật lịch sử vô cùng gần gũi. Bởi họ cũng từng như chúng ta, từng vui buồn, yêu thương, đau khổ. Không nên nhìn họ như những tượng đài để thế hệ con cháu “đúc tạc” thành khối đá vô tri, vô giác. Lịch sử không giống trong sách giáo khoa chỉ là những con số, thống kê. Đã từng có rất nhiều những “Câu chuyện phiếm”, “drama” giống chúng ta ngày nay. Có ai biết rằng Lý Thường Kiệt – vị tướng oai hùng một thời đã có lúc mang cái tên “thằng Cặt” (Chuyện phiếm sử học – Tạ Chí Đại Trường). Hay “nghi án đổ vỏ, ám sát chồng” của Thần phi Nguyễn Thị Anh, “drama” các vị phi tần “chí chóe đánh nhau” khiến cho vua Gia Long đau đầu kể khổ với vị đại thần người Pháp J.B.Chaigneau - Quang Hưng đã tò mò về tất cả những điều đó, cậu cảm thấy học sử: “Giống như việc bạn đọc được nhật kí thời trai trẻ của bố mẹ mình và phát hiện hóa ra họ cũng từng bồng bột như thế nào!”…

Có thể nói, việc học lịch sử đã trở thành nỗi trăn trở trong ngành giáo dục biết bao năm nay. Vào thời kỳ phong kiến, các sĩ tử cắp lều chõng đi thi trong đầu đã phải có cả “vò” kiến thức uyên thâm không chỉ về lịch sử dân tộc mà còn của các nước bạn. Ngày nay, môn sử thường xuyên “đội sổ” về thành tích trong những kì thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê năm 2021, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, môn lịch sử có đến 637.005 thí sinh tham dự, điểm trung bình là 4.97, thấp nhất trong tất cả các môn. Con số thí sinh dưới trung bình là 52.03%, thậm chí số thí sinh đạt điểm liệt là 540 em.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có ba nguyên nhân chính khiến kết quả môn thi lịch sử luôn ở ngưỡng dưới trung bình. Trước hết đó là thái độ thờ ơ của một bộ phận học sinh không tha thiết với việc học lịch sử. Nhiều em rất lười học, thậm chí không muốn học lịch sử dẫn đến hiện tượng “mù” lịch sử. Những kiến thức cơ bản, nền tảng về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới hầu như bị trống rỗng.

Tiến sĩ Lịch sử - Phạm Thị Kim Anh.

Tiến sĩ Lịch sử - Phạm Thị Kim Anh.

Nguyên nhân thứ hai phải kể đến chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Hơn nữa, chương trình học rất nặng với lượng kiến thức “đồ sộ” và có quá nhiều nội dung, khiến các em khó có thể nắm vững được kiến thức trong một thời gian ngắn. Trong khi đó cách truyền tải của sách giáo khoa lại rất khô khan, thiếu sinh động, không hấp dẫn với người học. Trong hầu hết các bài, học sinh ít thấy những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về lịch sử gắn liền với các nhân vật một cách sống động. Các sự kiện lịch sử luôn diễn ra theo nghị quyết, hội nghị, chỉ thị, chủ trương, đường lối… vì thế nghiêng về lịch sử đảng và mang tính chính trị rất sâu đậm. Điều này khiến học sinh mệt mỏi, khó nhớ và không hứng thú với bộ môn.

Nguyên nhân thứ ba là do cách ra đề thi trắc nghiệm môn lịch sử. Chúng ta vẫn biết rằng, học lịch sử là để biết sự kiện, hiện tượng đó diễn ra như thế nào trong quá khứ, từ đó đánh giá, nhận xét và rút ra bài học kinh nghiệm của lịch sử. Thế nhưng, do tổ chức thi trắc nghiệm nên cả người dạy và người học chỉ chú tâm đến kĩ thuật trả lời câu trắc nghiệm và cố ghi nhớ máy móc kiến thức để đi thi. Hơn nữa cách ra đề thường đánh đố học sinh, hỏi những vấn đề không cơ bản, không trọng tâm, thậm chí có những câu hỏi đi vào những tình tiết mà cả người dạy và người học ít chú ý và không ngờ tới…

Các nước trên thế giới rất coi trong việc học Sử trong nhà trường

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch Sử Việt Nam nêu thực trạng học sinh từng ăn mừng hoặc xé sách, xé đề cương Lịch sử khi biết không phải thi môn này trong một kỳ thi nào đó. Những hình ảnh đó thật phản cảm và đáng lên án. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh đây là một thực trạng đáng buồn, phản ánh nỗi chán ghét môn lịch sử của một bộ phận học sinh và là nỗi băn khoăn, lo lắng đáng báo động của việc dạy và học lịch sử trong các nhà trường phổ thông. Câu hỏi làm thế nào để học sinh yêu thích môn lịch sử và việc học lịch sử không còn là “sự khổ sai” đối với mỗi học sinh, cần phải có một cuộc cách mạng thực sự về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường. Thực tế, học lịch sử không chỉ để hiểu rõ quá khứ, hiểu rõ cha ông ta đã dựng nước, giữ nước như thế nào qua các thời đại mà học lịch sử còn là để vận dụng vào đời sống để giải quyết những vấn đề của hiện tại và hướng tới tương lai. Lịch sử luôn gắn liền với sự sinh tồn của mỗi quốc gia. Do đó, các nước trên thế giới rất coi trọng việc dạy học môn lịch sử trong các nhà trường…

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?