'Yêu cầu người dân về quê ăn Tết phải cách ly là vượt quá thẩm quyền'

Một số địa phương yêu cầu người dân thực hiện cách ly y tế khi trở về từ những địa bàn có dịch. Ảnh: minh hoạ.
Một số địa phương yêu cầu người dân thực hiện cách ly y tế khi trở về từ những địa bàn có dịch. Ảnh: minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời điểm cận Tết Nguyên đán, không ít nơi đã có quy định yêu cầu người từ ngoài tỉnh trở về quê ăn tết phải làm xét nghiệm và phải thực hiện cách ly y tế. Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Việc này vượt quá thẩm quyền địa phương”.

Anh Phạm Mạnh Linh quê tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chia sẻ: "Nếu trở về Thái Bình tôi nghĩ người dân nên tự chủ động làm xét nghiệm. Tuy nhiên, Thái Bình yêu cầu cách ly y tế đối với người về từ vùng có dịch thì bản thân tôi thật sự không muốn về quê. Vì thời gian được nghỉ Tết rất ngắn và tôi chỉ tranh thủ về thăm gia đình. Phải cách ly y tế, sau đó phải theo dõi sức khoẻ tại nhà thì coi như không có Tết. Tôi mong chính quyền địa phương sẽ có những điều chỉnh phù hợp".

Minh Trang, quê tại Ninh Bình, cũng nêu quan điểm: "Tôi thấy về Ninh Bình từ vùng cam, tiêm 2 mũi và test nhanh âm tính vẫn phải cách ly 7 ngày tại nhà là không phù hợp. Những người đi làm chỉ được nghỉ Tết 1 tuần, sát Tết mới về, phải cách ly như thế thì những ngày Tết không được hưởng không khí sum họp gia đình. Dù biết quy định khắt khe là để kiểm soát tốt dịch nhưng mà cũng không nên quá khắt khe quá như thế".

Trước những băn khoăn của người dân, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, phòng chống dịch là yêu cầu cần thiết được nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ. Địa phương cần dựa trên tình hình, cấp độ dịch để áp dụng biện pháp chống dịch theo quy định chung, đảm bảo hiệu quả, chuẩn chỉ.

“Đặc biệt là không được đặt ra các biện pháp vượt quá giới hạn Chính phủ đã chỉ đạo. Và nếu đặt ra các biện pháp khác thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để xem xét, đồng thời thông qua Bộ Y tế và các bộ ngành, đây là nguyên tắc”, TS Lưu Bình Nhưỡng nói.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Ngọc Nga

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Ngọc Nga

Theo ông Nhưỡng, "về kĩ thuật", chính quyền cơ sở cần xem xét tình hình cụ thể tại địa bàn để đặt ra các biện pháp sao cho phù hợp, tránh tình trạng một số nơi người dân bức xúc vì những yêu cầu vượt quá thẩm quyền, thậm chí có địa phương còn lập chốt, có nơi khóa trái cửa lại. "Những chuyện này rất phản cảm và xâm phạm vào quyền công dân, cần rút kinh nghiệm và có sự chỉ đạo nhất quán thống nhất", ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, về quê sớm hay muộn là việc của của người dân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là khi về, người dân phải đảm bảo phải gìn giữ và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là 5K. Nếu thấy có triệu chứng thì làm xét nghiệm, thậm chí người dân có thể xét nghiệm trước khi và thông báo, khai báo y tế với chính quyền.

“Người ta đi máy bay về vẫn khai báo y tế bình thường, địa phương không nên đặt những điều kiện khắt khe hơn, thậm chí coi đó là hàng rào kĩ thuật khiến người dân không muốn về quê ăn Tết. Ai cũng có quê hương, có nhu cầu được sum họp gia đình khi Tết đến Xuân về. Việc một số địa phương yêu cầu ai ở vùng dịch về cũng phải cách ly, khóa cửa nhà người dân là vượt quá thẩm quyền và bộc lộ sự yếu kém trong quản lý”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Trong công văn, Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 242 ngày 11/1 của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh một số sự việc báo chí phản ánh, người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp...

Phó Trưởng Ban Dân nguyện phân tích thêm, cách ly 7 ngày là thời gian dài. Tết người dân về quê phải có sinh hoạt gia đình, thăm hỏi họ hàng, bà con lối xóm. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi là cách ly phải có nguyên nhân. Nếu không có vấn đề gì thì thôi, nên tạo điều kiện cho người dân ăn Tết vui khỏe. Khóa trái cửa, không cho người dân đi đâu, nếu người dân thiếu thốn, ốm đau bệnh tật nguy cấp, xảy ra chuyện gì thì người đứng đầu chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Các địa phương không nhất thiết phải đồng đều, do điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nhưng thực hiện pháp luật phải thống nhất trên một nền tảng pháp luật, dựa trên cơ sở biện pháp mà pháp luật quy định, chứ không tự đặt ra những điều kiện vượt quá vấn đề đó, kể cả đặt thấp hơn cũng không được.

"Áp dụng biện pháp gì pháp luật đã quy định, cấp độ dịch nào thì thực hiện cấp độ đó. Các biện pháp dành cho doanh nghiệp riêng, biện pháp dành cho cá nhân con người riêng, cứ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện. Nếu có vướng mắc thì hỏi Bộ Y tế", ông Nhưỡng nói.

Quy định cách ly của một số địa phương tính đến sáng 19/1

Ninh Bình: Đối với người về từ vùng dịch cấp độ 4 (màu đỏ), nếu tiêm đủ liều vaccine hoặc đã qua thời gian theo dõi sau điều trị COVID-19, tỉnh Ninh Bình yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú thêm 7 ngày; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 trong toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Nếu người ở vùng đỏ trở về chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, tỉnh tổ chức cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú thêm 14 ngày sau đó; lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR ít nhất 4 lần vào các ngày 1, 7, 14 và 28 của toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Người đi/về Ninh Bình từ vùng dịch cấp độ 3 (màu cam) phải cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần vào ngày đầu và ngày cuối của giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc thêm 7 ngày sau giai đoạn cách ly tại nhà hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều về Ninh Bình từ vùng cam phải cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần vào ngày đầu và ngày cuối của giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19…

Thái Bình: Tỉnh Thái Bình quy định những người đến từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đến tỉnh vào ngày thứ nhất. Những trường hợp phải cách ly y tế 7 ngày tại Thái Bình gồm những người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch hoặc vùng cách ly y tế. Những người này tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 1 và 7.

Tuyên Quang: Từ 20 giờ ngày 15/1, tất cả người đến lưu trú, trở về tỉnh Tuyên Quang phải tự xét nghiệm, báo cáo kết quả với chính quyền địa phương. Nếu kết quả dương tính, người dân phải cách ly, điều trị theo quy định; nếu có kết quả âm tính sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Trường hợp gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, người dân phải báo ngay đến trạm y tế gần nhất.

Lào Cai: Tỉnh Lào Cai quy định, những trường hợp đến/về từ vùng đỏ và vùng cam đều phải thực hiện xét nghiệm. Trong đó, người đến/về từ các vùng nguy cơ cao chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 hai lần (vào ngày 1 và 7 kể từ ngày về địa phương). Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều được yêu cầu xét nghiệm nhanh ngày 1 và 7, lấy mẫu RT-PCR ngày 14.

Lạng Sơn: Lạng Sơn quy định những trường hợp trở về từ vùng cam, vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất. Tỉnh buộc cách ly y tế đối với người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch nguy cơ cao, nguy cơ rất cao hoặc vùng cách ly y tế.

Quảng Nam: Quảng Nam yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày đối với người về từ vùng cam và tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, người về từ vùng đỏ đã được tiêm đủ liều.

An Giang: Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế, người tiếp xúc gần (F1), trước khi về An Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, có giá trị trong vòng 72 giờ nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày và luôn thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất.

Điện Biên: Người về địa phương cần khai báo y tế tại trạm xá xã. Người từ vùng cam đã tiêm đủ liều hoặc khỏi bệnh, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Người tiêm chưa đủ mũi vaccine hoặc chưa tiêm cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần, theo dõi thêm 7 ngày.

Người từ vùng đỏ phải có giấy xét nghiệm âm tính trước khi về. Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, tiêm đủ liều nhưng mũi cuối chưa đủ 14 ngày thì cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm 3 lần, tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Nếu nhà không đủ điều kiện thì cách ly tập trung 14 ngày, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.

Vĩnh Phúc: Với người về từ vùng đỏ, tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 7 ngày và thêm 7 ngày theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 2 lần. Người chưa tiêm đủ liều vaccine cách ly tại nhà 14 ngày; đi cách ly tập trung nếu nơi lưu trú không đủ điều kiện.

Thanh Hóa: Tỉnh Thanh Hóa quy định, người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 2 phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày về địa phương và thực hiện thông điệp 5K. Tương tự ở những người về từ vùng có cấp độ dịch 3, 4, tỉnh Thanh Hoá cũng có những quy định rõ ràng khác.

Quảng Trị: Tỉnh Quảng Trị yêu cầu người về từ địa phương có dịch cấp độ 2 - nguy cơ trung bình nếu chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 phải cách ly tại nhà 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tại nhà. Người đã tiêm 1 mũi vaccine thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm vào ngày 1 và 7 trong thời gian cách ly tại nhà. Người đã tiêm 2 mũi, 3 mũi và khỏi bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Thừa Thiên-Huế: Người về Thừa Thiên-Huế từ vùng dịch cấp độ 2, nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7. Sau đó, người dân cần tiếp tục tự theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Bà Rịa-Vũng Tàu không quy định về cách ly, xét nghiệm đối với người trở về từ vùng 1, 2. Tỉnh có quy định cụ thể đối với người dân trở về quê từ vùng dịch cấp độ 3, 4.

Trà Vinh: Tỉnh Trà Vinh quy định trường hợp phải cách ly y tế là người trở về từ địa phương có cấp độ dịch cấp 4 chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm nhanh 3 lần vào ngày 1, 7 và 14.

Các trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày: Người trở về từ địa phương có cấp độ dịch cấp 4 đã tiêm vaccine (từ 1 mũi trở lên); người trở về từ địa phương có cấp độ dịch cấp 3, đã tiêm 2 mũi vaccine; người trở về từ địa phương có cấp độ dịch cấp 3 và 4 đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.