Đảm bảo đủ xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (LHD Nghi Sơn) cho biết, trong năm 2023, LHD Nghi Sơn sẽ tiến hành tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu cho toàn nhà máy, với tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày, bắt đầu từ 25/8/2023. Kế hoạch công suất năm 2023 đặt ra là 79,6% (do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể), tương ứng với khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến.
Đồng thời, Công ty cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường và nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp đến nên đã nỗ lực duy trì ổn định vận hành nhà máy ở công suất tối đa có thể.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù với việc tạm dừng 1 phân xưởng để sửa chữa nhưng Nhà máy đã cân đối sức chứa, tối ưu tồn kho và duy trì vận hành ổn định ở công suất đầu vào 85% ở phân xưởng chưng cất dầu thô CDU. Các phân xưởng công nghệ khác đang vận hành bình thường ở công suất cân bằng và cao, có nơi lên đến 110%.
Theo báo cáo của công ty, dự kiến, tổng sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 1/2023 sẽ đạt 600.000 m3, giảm một phần do ảnh hưởng của sự cố vừa xảy ra. Sản lượng xăng dầu kế hoạch đã báo cáo (tối thiểu) của tháng 2 sẽ là 620.000 m3 và tháng 3 là 770.000 m3. Tổng khối lượng Quý 1/2023 giảm nhẹ so với kế hoạch.
Liên quan đến sự cố đang xảy ra tại Nhà máy LHD Nghi Sơn, đại diện lãnh đạo công ty cho biết, đến sáng 12/1, tiến độ sửa chữa khớp nối đã hoàn thành, tiến độ sửa chữa vòng cấp khí đạt 94%. Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ và bàn giao thiết bị để khởi động lại trong sáng ngày 14/1/2023. Sau khoảng 3-4 ngày sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên đến 105-107% để bù đắp sự thiếu hụt.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PVN) cũng thông tin, ngay sau khi sự cố xảy ra đã tích cực phối hợp, hỗ trợ khắc phục tình huống. Tập đoàn đã chủ động nhận diện về mặt kỹ thuật, chủ động hỗ trợ cho Nhà máy, đặc biệt về nguyên vật liệu, để bảo đảm tiến độ khắc phục sự cố sớm. Ngay khi sự cố xảy ra, Tập đoàn cũng đã chỉ đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất lên lên 110% để hỗ trợ sự thiếu hụt do sự cố xảy ra tại Nghi Sơn. Hiện sản lượng tồn kho của cả 2 nhà máy (tồn kho và lượng sản xuất) đã đáp ứng nhu cầu trong tháng 1, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải nghiêm túc thực hiện cam kết
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, LHD Nghi Sơn đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung thị trường xăng dầu của Việt Nam và đã có nỗ lực để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, LHD Nghi Sơn vẫn xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy, đặc biệt có những sự cố làm nhà máy phải dừng vận hành tạm thời, gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước đặc biệt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị LHD Nghi Sơn có trách nhiệm với cam kết của mình |
Do đó, Bộ trưởng đề nghị phải bằng mọi cách, mọi giá LHD Nghi Sơn cùng với bên bao tiêu của PVN bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Những sự cố mà doanh nghiệp đang gặp phải được khắc phục nhanh. Sự cố phải khắc phục hoàn toàn và muộn nhất ngày 15/1 phải đi vào hoạt động, trở lại đủ công suất.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Diên đề nghị, LHD Nghi Sơn phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các nhà phân phối. Bởi Công ty và các nhà phân phối đã có những cam kết rất chặt chẽ nhưng phía nhà máy chưa thể hiện sự cam kết của mình trong việc cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối. “Đã có mấy lần nhà máy đều đột ngột thông báo dừng. Sự cố là không ai mong muốn nhưng phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ rủi ro cho những nhà phân phối” - Bộ trưởng Diên nói.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cần phải bảo đảm nguồn theo cam kết và phải nghiêm túc nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng. Bởi đây là thông lệ quốc tế cần thực hiện.
Bộ trưởng Diên cũng lưu ý: “Nhà máy đã dự kiến 50 ngày bảo dưỡng định kỳ thì phải đúng 50 ngày, không được kéo dài”. Bởi còn liên quan đến sản lượng cung ứng thị trường để Bộ Công Thương có cơ sở phân giao, điều hành. Bộ Công Thương đã 2 lần gặp khó khăn bởi nhà máy. Nếu giao cho doanh nghiệp khác nhập về rồi lại không bao tiêu được sản lượng xăng dầu nhà máy sản xuất. Như thế Việt Nam lại vi phạm cam kết. Do đó, LHD Nghi Sơn phải thể hiện trách nhiệm của mình bởi Việt Nam luôn thực hiện những ưu đãi đã cam kết với LHD Nghi Sơn.
Bộ trưởng Diên cũng đề xuất, trong tình huống không làm chủ được thời gian, kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến sản lượng cam kết, LHD Nghi Sơn cần có sự thương thảo với các nhà phân phối để có thể thông qua họ, có thể nhập ủy thác, bảo đảm sản lượng cung ứng cho ổn định. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động.