Theo đó, trong quá trình thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật nhiệm vụ, quyền hạn và công tác phòng, chống tham nhũng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hương, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra một số nhược điểm, hạn chế, tồn tại ở Ban này.
Đơn cử như trong năm 2019 và năm 2020, Ban quản lý rừng phòng hộ sông Hương đã tổ chức trồng rừng, nhưng việc lập hồ sơ theo dõi cây giống chưa đảm bảo theo quy định.
Quá trình thi công trồng rừng thay thế năm 2020, để bên thi công phát trắng thực bì băng chừa và trồng cây chưa đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
Không chỉ vậy, kiểm tra một số hiện trường trồng rừng bổ sung cây bản địa năm 2019 và trồng rừng thay thế năm 2020 đã phát hiện việc trồng xen cây keo lai hom và phát thực bì không đúng hồ sơ thiết kế.
Trước đó, hàng trăm hecta rừng trồng thay thế tại các công trình thủy điện trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng đã bị chết |
Công tác nghiệm thu các công trình trồng rừng, Ban này không thành lập hội đồng và biên bản nghiệm thu không có cán bộ giám sát thi công là không đúng theo quy định. Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), việc phân công trực và mở sổ theo dõi lịch trực còn thiếu sót.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), quá trình tổ chức các đợt truy quét còn thiếu sót trong việc lập kế hoạch và không phân công cụ thể người phụ trách và thành viên tham gia, thiếu biên bản các đợt truy quét.
Trước những sai phạm trên, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ sông Hương phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức phân công trực PCCCR và xử lý các hành vi vi phạm được phát hiện qua công tác QLBVR phải đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ cây giống trồng rừng trong các năm 2019, 2020 theo hợp đồng đã ký kết với các đơn vị thi công và đơn vị cung cấp cây giống để xử lý những sai sót như nội dung kết quả kiểm tra, xác minh đã nêu, nhằm đảm bảo chất lượng rừng trồng sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư.
Bên cạnh đó, cần tiến hành kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo và các cá nhân được phân công, giám sát, chỉ đạo thi công công trình trồng rừng thay thế năm 2020 không đúng hồ sơ thiết kế; tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích, nguồn vốn, hiện trạng rừng đối với 49,94 ha đơn vị đã trồng xen keo lai hom không đúng hồ sơ thiết kế và đề xuất biện pháp xử lý.
Đối với các đơn vị trực thuộc Sở, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong việc thực hiện các công trình lâm sinh phải đúng theo hồ sơ thiết kế, dự toán đã được phê duyệt; hồ sơ giống cây trồng rừng phải đầy đủ và đảm bảo chất lượng theo quy định...
Trước đó, Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định truy thu tiền trồng rừng thay thế đối với 238,67ha rừng các doanh nghiệp thủy điện (trong đó, thủy điện A Lưới là 68,53ha, thủy điện Hương Điền 53,15ha, và thủy điện Bình Điền 116,99ha) đã trồng nhưng không thành rừng, do không có cây.