Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, việc Trung Quốc trong những ngày từ 9 đến 12/5/2018 tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực”, bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm việc tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ ngày 23 đến ngày 25/5 vừa qua ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe đọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”, bà Hằng nói.
Trước việc Philippines mới đây đã xây đường băng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động được tiến hành tại 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Việt Nam nhấn mạnh những quan ngại sâu sắc đã được nêu tại các văn kiện của ASEAN về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông”, bà Hằng nói.
Trước thông tin 2 tàu chiến của Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh một số thực thể thuộc quần Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn nói rằng Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp tế mà cụ thể là UNCLOS 1982, đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.
Ngoài ra, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển khác của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.