Bất chấp sức ép đòi truy quét nhóm khủng bố Al-Qaeda từ phía Mỹ, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh vẫn tuyên bố, ông để ngỏ khả năng đối thoại với Al-Qaeda. Trong một cuộc phỏng vấn với Abu Dhabi TV, ông Saleh nói rằng, ông “sẵn sàng đàm phán với bất cứ thành viên nào của Al-Qaeda, những người hạ vũ khí, tuyên bố từ bỏ bạo lực và quay trở lại với chính nghĩa”. Điều này ngụ ý rằng, ông sẽ khoan hồng với các phần tử hạ vũ khí cùng cam kết không “ngựa quen đường cũ”. Tuy nhiên, Tổng thống Saleh cũng cho biết, các lực lượng quân đội Yemen sẽ truy đuổi đến cùng các phần tử Al-Qaeda cứng đầu.
Binh lính Yemen kiểm tra an ninh tại các chốt ra vào thủ đô Sanaa. |
Washington đã mô tả các phần tử Al-Qaeda ở Yemen là một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Sau vụ tấn công bất thành nhằm vào một máy bay Mỹ trong dịp Giáng sinh vừa qua và ngay sau đó là âm mưu của Al-Qaeda tấn công các mục tiêu nước ngoài tại thủ đô Sanaa, Đại sứ quán của ba nước Mỹ, Anh và Pháp tại Yemen đã phải đóng cửa trong hai ngày 3 và 4-1 vì lý do an ninh. Chính quyền của Tổng thống Obama hứa sẽ tăng cường hỗ trợ cho Yemen trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, bằng việc cung cấp thêm ngân sách và huấn luyện cho lực lượng an ninh Yemen.
Tuy nhiên, tuyên bố trên của Tổng thống Saleh đặt ra khả năng ông có thể tiếp tục chính sách của những người tiền nhiệm từng khiến các quan chức Mỹ thất vọng: trả tự do cho các phần tử Al-Qaeda cam kết không tham gia các hoạt động khủng bố. Một số phần tử đã vi phạm cam kết và được cho là đã trở lại hàng ngũ của mạng lưới khủng bố này. Chính phủ Yemen cũng tuyên bố đã thành công trong cuộc chiến chống lại các phần tử Al-Qaeda - những kẻ đã không chịu từ bỏ bạo lực. Họ cho hay, các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của Al-Qaeda hồi tháng trước đã tiêu diệt ít nhất 34 phần tử chủ chiến.
Trả lời phỏng vấn tạp chí People, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, ông không có ý định gửi quân đến Yemen hay Somalia khi những nước này chiến đấu với các phần tử Hồi giáo. “Tôi không có ý định hợp tác với các đối tác nước ngoài ở những khu vực vô pháp luật trên thế giới để bảo đảm rằng người dân Mỹ được an toàn”, ông nói. Ông cũng không loại trừ bất kỳ khả năng nào, song khẳng định đối với các quốc gia như Yemen và Somalia, việc phối hợp với các đối tác quốc tế để đối phó với vấn nạn khủng bố vẫn là hiệu quả nhất vào thời điểm này.
Hiện nay, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng đã tới Yemen với nội dung chính là thảo luận hợp tác an ninh song phương và chống khủng bố. Ngoại trưởng Đức kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sự ổn định và an ninh của Yemen. Trước đó, Ngoại trưởng Đức đã tới thủ đô Doha (Qatar) và Riyadh (Saudi Arabia), trao đổi với các nhà lãnh đạo Qatar, Saudi Arabia các biện pháp thúc đẩy hợp tác hữu nghị. Các cuộc thảo luận đã đề cập tới tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là tình hình an ninh của Yemen.
Yemen hiện đang rất thận trọng trong cuộc chiến với Al-Qaeda bởi e ngại có thể xảy ra phản ứng trong nước, nơi mối căm giận Mỹ và chủ nghĩa cực đoan ngày càng lan rộng. Hàng trăm tay súng Al-Qaeda, gồm cả người Yemen lẫn người nước ngoài, được tin là đang ẩn náu tại các khu vực núi non của Yemen. Do đó, nếu đẩy mạnh cuộc chiến chống Al-Qaeda dưới sự giúp sức của Mỹ, Chính phủ Yemen có thể vấp phải sự phản đối của dân chúng. Theo các quan chức Yemen, chính sách hòa giải của Tổng thống Yemen là cần thiết, bởi chỉ sử dụng bạo lực thì chưa đủ để ngăn
Al-Qaeda.
GIA HUY