Ban đầu là mạng xã hội, sau đó báo chí chính thống “vào cuộc” như một “cơn lốc” xã hội. Xin không nhắc lại các nội dung đang tạo ra nhiều “dư chấn”. Không bàn nhưng xin dẫn hai nhận xét của hai nhân vật đặc biệt. “Ở góc độ khoa học, cách đặt vấn đề như vậy là bình thường. Tuy nhiên, ngôn ngữ không chỉ là khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng” – đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét. “Với những ý tưởng mới như của thầy Bùi Hiền, chúng ta nên tôn trọng sự sáng tạo của ông, còn đánh giá thế nào là của Hội đồng khoa học chuyên môn. Nếu bất cứ ý tưởng mới nào vừa ra đời cũng bị “ném đá” như vậy thì xã hội không thể phát triển được” - TS Đoàn Hương nhấn mạnh, khi trao đổi với báo giới.
Xin đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta/những người tham gia bàn luận đã nhìn nhận chính xác về vị trí và bản chất vấn đề mà mình đang thảo luận hay chưa? Họ có biết rằng, mình đang sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình một cách tùy tiện như thế nào và đang đối xử thiếu suy nghĩ ra sao với “nạn nhân” của ý tưởng.
Không ai suy nghĩ về những câu hỏi này, trước khi ngồi vào “bàn phím” hoặc cầm trên tay Smartphone “ném đá”. Thế mới biết, “sức mạnh xã hội”, thế mới ngấm “hội chứng bầy đàn” đã và đang hiện hữu trên mạng xã hội.
Từ xưa đến nay, từ cổ chí kim, tự do học thuật là một phần của tự do tư tưởng, tự do cá nhân. Chế độ chính trị nào cũng tôn trọng. Điều đáng trân trọng nhất là PGS-TS Bùi Hiền đã làm việc hết sức nghiêm túc cho nghiên cứu của mình trong suốt hai thập kỷ, như ông nói. Ông kiên trì cho đến tận lúc này, ở cái độ tuổi mà nhiều người đã không còn sống, hoặc sống mà không còn biết mình là ai, không tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân được nữa. Việc dồn tâm huyết cho một vấn đề khoa học “nhạy cảm” bởi chữ quốc ngữ/và tiếng Việt đã trở thành “hồn” dân tộc như PGS-TS Bùi Hiền đã làm là là “phiêu lưu” nhưng đáng trân trọng. Khác với các “ý tưởng” thuộc các lĩnh vực khác, ông bị “ném đá” tơi bời cũng chỉ vì “đụng” đến phần “nhạy cảm”.
Việc tranh luận xung quanh ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ của PGS. TS. Bùi Hiền, suốt một tuần qua, đã “phơi bày” một sự thật khác, đó là: sự xuống cấp trong văn hóa tranh luận, văn hóa giao tiếp giữa người với người với nhau, trong xã hội, hiện nay.
Cư dân mạng (xin lỗi là ở Việt Nam rất, rất lớn và ngày càng phát triển, do nhiều nguyên nhân) đang “ngụy phản biện” khi ai cũng cho mình quyền “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” nhưng thực tế là đang thể hiện bằng một khuôn mặt xấu xí nhất, “phi văn hóa” nhất”.
Không chỉ riêng bày tỏ thái độ với PGS. TS. Bùi Hiền, trước nhiều vấn đề khác trong xã hội, người Việt đang dễ dàng “cuồng nộ”, họ không “ngộ ra” đã và đang gián tiếp phá hủy giá trị nhân văn của mỗi người và của cả cộng đồng.
Đây là điều đáng báo động, đáng lo.