Theo đại diện Ban, các nghiên cứu quốc tế cho thấy tốc độ trung bình tăng 10km/h, tỷ lệ TNGT tăng 30%, tốc độ trung bình tăng 1km/h, tỷ lệ tai nạn tử vong tăng 2,2%. Người đi bộ nếu va chạm ô tô ở tốc độ 50km/h, tỷ lệ tử vong 80%; va chạm khi tốc độ dưới 30km/h, tỷ lệ sống sót tới 90%.
Từ đó Ban ATGT đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý tốc độ hợp lý trong nội đô.
Đề xuất này khuyến nghị giới hạn tốc độ 50km/h với các đường nội đô, trừ một vài tuyến 4 làn xe trở lên như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... Đồng thời, thực hiện các giải pháp, hình thức cảnh báo, không quá 30km/h ở các khung giờ nhất định tại nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, chợ...
Một ý kiến khác cho rằng việc giảm tốc độ không gây ùn tắc giao thông, mà nâng cao an toàn, giảm nguy cơ tai nạn, thương tích nếu xảy ra va chạm. Ý kiến này đưa ra nghiên cứu cho rằng con người mất từ 0,7 - 2 giây để phản ứng khi xảy ra sự cố, tốc độ di chuyển phù hợp thì người đi bộ, xe máy kịp thời phản ứng.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết, tốc độ trung bình ở TP HCM hiện là 33,8km/h, đường sá chỉ đáp ứng 20% nhu cầu đi lại. Hồi đầu tháng 11/2023, Ban ATGT có kiến nghị thí điểm giới hạn tốc độ tại khu vực trường học, bệnh viện. Sở GTVT cho rằng nên nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm quốc tế trước khi thí điểm.
Thống kê trong năm 2022, tại Việt Nam ghi nhận gần 80% vụ TNGT nghiêm trọng do chạy xe quá tốc độ. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, CSGT cả nước đã xử phạt 50.914 người lái xe quá tốc độ cho phép.