Trong bài phát biểu khai mạc được phát đi rộng rãi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Thời kỳ mới, cách làm mới với tinh thần mới, quyết tâm mới về công tác cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp chiến lược đã bắt đầu.
Chống “chạy chức, chạy quyền”, dẹp tình trạng “mua bán quyền lực” quyết định sự tồn vong của một chế độ. Quyền lực tuyệt đối sẽ sinh ra suy thoái tuyệt đối, do vậy đã đến lúc phải “nhốt quyền lực”, tăng cường giám sát, đặc biệt đề cao sự giám sát của nhân dân.
Đây không phải là vấn đề mới. V.I.Lê nin đã từng viết rất kỹ về “kiểm soát quyền lực trong Đảng”. Đó là kiểm soát quyền lực các cá nhân đảng viên có chức vụ trong các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước. Theo V.I.Lê-nin, việc kiểm soát này chính là để thực hiện dân chủ - một yêu cầu cực kỳ quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ nội bộ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất kỹ về vấn đề này. Đáng tiếc, chúng ta đã buông lỏng, bao che, hình thức chủ nghĩa trong thời gian quá dài.
Rõ ràng phải kiểm soát, kiểm soát và kiểm soát quyền lực. Ý chí sắt đá của Đảng thể hiện qua câu nói của Tổng Bí thư khi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngay sau Hội nghị Trung ương 7 kết thúc: “Lò nóng, thậm chí nóng rực lên rồi, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, phải kiên trì, quyết tâm chứ không bỏ dở giữa chừng”.