Lại cũng như công thần Lê Văn Duyệt, thân đã nằm dưới đất sâu rồi, bấy giờ vua quan nhà Nguyễn mới đem ra mà xử, đến nỗi nhìn bản án thì tội đáng chết nhiều lần. Nhưng rồi sau, hậu thế cứ mãi tôn thờ vì những đóng góp lớn lao của ông cho triều đại. Lê Chất, dẫu tiếng tăm không bằng Tả quân, nhưng cũng là bậc công thần khai quốc đấy.
Cũng là tay anh hùng
Tiểu sử Lê Chất, được “Đại Nam liệt truyện” ghi lại. Theo đó ông người Bình Định. Trước theo chân Tây Sơn, sau theo về với chúa Nguyễn Ánh, góp công góp sức cho cuộc trung hưng. Nhờ vậy, Chất trở thành khai quốc công thần nhà Nguyễn.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi chính thống, Lê Chất “theo vua hồi loan, xây dựng cung điện, xây đắp hoàng thành, tu lý các lăng, Chất cùng các đại thần chia nhau đốc suất việc ấy”. Với Lê Văn Duyệt, Chất có mối quan hệ bạn bè chứ không như Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành không bằng lòng nhau.
Năm Canh Ngọ (1810), Lê Chất được vua giao làm Hiệp tổng trấn Bắc thành và được quyền “Tự phó tướng trở xuống ai trái luật đều được tiện nghi làm việc rồi sau tâu lên”. Đến năm Mậu Dần (1818) thì vua chính thức trao chức Bắc thành Tổng trấn cho Lê Chất. Nên nhớ, Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành quyền cao tột bậc dạo ấy, chỉ đứng sau vua thôi đấy. Sau này còn của vị Tổng trấn họ Lê, còn được lấy Trưởng công chúa. Thế là đã được dự vào hàng Phò mã lang rồi vậy.
Được vua Gia Long, rồi nối đến Minh Mạng tín nhiệm là thế, nên khi Lê Chất ốm chết năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng muôn phần xót thương, “Liệt truyện” còn ghi: “Vua nghe tin Chất chết, thương xót, nghỉ chầu 3 ngày, lại cho Chất gấm sa vũ đoạn đều 6 tấm và 3.000 quan tiền, tặng hàm Thiếu phó, thụy là Trung Nghị, sai quan đến tế. Cấp phu coi mả”. Xem thế, đủ thấy vua trân trọng vị đại thần như thế nào. Ấy thế mà 10 năm sau, vua nhìn về viên đại thần quá cố khác hẳn khi vụ án Lê Chất phát ra. Kẻ khơi nên vụ án Lê Chất, ấy là Lại bộ Tả thị lang Lê Bá Tú.
Quan lại nhà Nguyễn |
Kết tội công thần
Bản án kết tội Lê Chất của Lê Bá Tú, nhằm năm Ất Mùi (1835), xem qua, có kém gì so với bản án kết tội Tả quân Lê Văn Duyệt đâu. Mà lạ, vua Minh Mạng cũng như kẻ dưới quyền, lại đi kết tội những người đã không còn sống ở trên đời. Thế nên, án mặc sức nghiệt ngã. Để kết án được Lê Chất, thì tội trạng phải được đưa ra. Và đây, “Việt sử tân biên” có ghi lại. Theo đó, Lê Chất có 6 tội đáng chết:
1. Cùng với Lê Văn Duyệt mưu việc phế bỏ vua; 2. Nhiều lần xin thưởng cho hoàng tử làm con nuôi, mưu cướp ngôi; 3. Muốn con gái được chính vị trong cung nhưng không được nên có ý oán; 4. Thường nói với Lê Văn Duyệt rằng làm tôi con không được giận dẫu bất bình nhưng ta vẫn giận; 5. Nói vua ưu ái Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thận, ta chỉ cần vài trăm quân vào triều hét một tiếng là lũ kia phải phục xuống, ta muốn làm gì thì làm; 6. Nói quốc tính đổi gọi Tôn thất do lũ Trịnh Hoài Đức xúi giục, nên chém đầu chúng ở cửa miếu.
Mà nào đã hết, kèm với đó là 10 tội tiếm lạm, được “Việt Nam sử lược” cho hay, đại lược là: 1. Khi Chất ở Bắc thành, khi điểm binh đầu năm, dám lên lầu Ngũ môn ngồi chính giữa; 2. Lấy của riêng mà tải vào thuyền công nhà nước; 3. Cùng Lê Văn Duyệt dâng biểu từ chức để bắt bí vua; 4. Việc sinh sát tự tiện, dữ đoạt; 5. Ăn lễ, giàu đến hàng vạn; 6. Tấu sớ không hợp phép, có chỉ không cho mà nhất định nộp lại; 7. Nuôi những cung nữ của triều trước không kiêng nể gì; 8. Làm gác chuông, gác trống ở nơi công sảnh vốn cấm; 9. Cùng Lê Văn Duyệt cố xin cho Lê Duy Thanh bị án đã kết; 10. Điều bổ cơ binh, phủ binh mà lại xin lấy chức quan văn để thi hành.
Từ những lời tâu kết tội ấy, vua Minh Mạng căn cứ vào đó, đã ra dụ phê phán Lê Chất, lệnh cho đình thần căn cứ 16 tội danh ấy mà định tội. Các quan viên dưới quyền, kể cả các địa phương khi được hổi ý kiến, đều nhất loạt cho là công bằng. Những lời kết tội ấy, bằng cớ, đối chứng rõ là không có cơ sở, nên “Cận đại Việt sử diễn ca” mới phê là:
Án Lê Chất xử tầm phào,
Xương khô tố cáo, ai vào biện minh?
Dụ ban nghiêm xử tội danh,
Tước quan truy đoạt, gia hình mồ ma.
Ban thờ Tống trấn Bắc thành Lê Chất trong Lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh-Đình Ba |
Án cho người dưới ba tấc đất
Sau khi kết án người đã chết, và cho rằng những tội ấy dù có nhổ tóc trên đầu đếm cũng không hết. Nhưng niệm tình từ lần xử trước đối với Lê Văn Duyệt, nên theo lệnh vua, mộ Lê Chất sau đó bị san phẳng, lại khắc tấm bia dựng lên trên đề chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” để những kẻ gian tặc trông vào đó mà sợ.
Về phần vợ con Lê Chất, thì Lê Thị Sai biết chồng làm việc nghịch, đáng ra phải xử cực hình, nhưng vì thân là đàn bà, nên có sự gia giảm, Lê Thị Sai và các con Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kị đều trảm giam hậu (được hiểu là chém sau, án tử treo). Tài sản của nhà Lê Chất thì tịch thu 12.000 quan tiền. Lại trong dụ của vua Minh Mạng trước đó, có nói con gái Lê Chất đã đi lấy chồng, và đứa cháu trai Lê Chất còn nhỏ nên cho được miễn tội.
Án nghiệt ngã ấy nên mới có lời ca thán trong “Cận đại Việt sử diễn ca” là:
Cảnh Bình Phú cũng đìu hiu,
Lê Chất phục pháp mồ xiêu cốt tàn.
Tịch biên gia sản, phũ phàng,
Vợ con trảm hậu càng oan khuất nhiều.
Tổng kết cuộc đời của vị công thần này, trên báo Tiềm lực số 1, ngày 27/7/1961, Phan Khôi có bài “Vịnh Lê Chất” như sau:
Chinh Nam phạt Bắc, sự nghìn thu,
Cỏ ấy rêu mờ; đất vẫn u.
Ấy dõng ấy trung là thế thế,
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào di hận, xuân ầm ỹ,
Hổ thét dư uy gió vụt vù.
Sự tích anh hùng, ai nhắc lại?
Tây Hồ rang rảng tiếng chuông bu!
Cái chết của Lê Chất, hay Lê Văn Duyệt, rồi trước đó là Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, xét sâu xa, cũng là sự thanh trừng quyền lực của những vị khai quốc công thần mà thôi. Chó săn phải chết khi thỏ săn không còn. Sự vụ này, ngẫm lại ta có liên tưởng gì chăng đến vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông khi cũng lần lượt hạ bệ các công thần Trần Nguyên Hãn, Lê Sát… và đưa về nơi chín suối để bảo đảm ngai vàng của mình?
Trong “Việt Nam sử lược”, thì nhà sử học họ Trần có lý giải việc làm của vua Minh Mạng là “Còn như án Lê Văn Duyệt và Lê Chất thì có hẹp hòi thật, nhưng khi các ông ấy đã mất rồi, và lại vì có tên Khôi khởi loạn cho nên mới truy tội hai ông ấy mà làm án, chứ lúc hai ông ấy còn sống, thì vua Thánh Tổ, tuy có bụng ngờ, nhưng vẫn không bạc đãi”. Sau này, dẫu các vua triều Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức có gia giảm mà mà xóa tội cho vị đại thần, nhưng những oan ức trước đó, dễ rửa sạch được chăng?