Xung quanh quy định được rời hiện trường sau khi gây tai nạn: Thấy gì từ trăn trở của giám định viên pháp y?

Giám định viên Trung tâm Pháp y Hà Nội thực hiện giám định để xác định nồng độ Ethanol trong máu.
Giám định viên Trung tâm Pháp y Hà Nội thực hiện giám định để xác định nồng độ Ethanol trong máu.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm tránh việc người gây tai nạn giao thông bị đe dọa đến tính mạng, pháp luật về giao thông đường bộ không cấm người gây tai nạn tạm rời khỏi hiện trường sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính việc “được tạm lánh” đã gây khó cho công tác xác định chính xác nguyên nhân gây tai nạn.

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến. Tuy nhiên, trong những trường hợp như: người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, thì luật cho phép những người này được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Sự “biến mất” của nồng độ cồn

Trên thực tế, quy định “phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất” đã và đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có trường hợp, người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (TNGT) đến trình báo ngay sau vụ tai nạn xảy ra, nhưng cũng có trường hợp với lý do sợ bị đe dọa tính mạng nên phải sau một thời gian (có thể là vài ngày), mới đến cơ quan công an để trình báo. Với những trường hợp như vậy, nếu trước đó người điều khiển phương tiện gây TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu, bia, thì khi đến trình diện công tác giám định tìm nguyên nhân sẽ không còn xác định được lượng Ethanol (cồn) trong máu nữa.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội đưa ra một ví dụ. Theo đó, tháng 6/2023, Trung tâm Pháp y Hà Nội nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an trên địa bàn thành phố với nội dung: “Cung cấp thông tin về việc tại thời điểm uống rượu, sau thời gian bao lâu thì kết quả giám định nồng độ Ethanol trong máu không phát hiện được nồng độ Ethanol”.

Cụ thể, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 6/5/2023, Nguyễn Văn A., trú quán Hà Nội cùng bạn bè uống rượu tại quán lẩu. Khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, A. tham gia giao thông, mở cửa xe ô tô gây TNGT. Đến 17 giờ ngày 7/5/2023, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra thu mẫu máu của Nguyễn Văn A phục vụ giám định. Ngày 9/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định, trưng cầu Trung tâm Pháp y Hà Nội giám định nồng độ Ethanol trong máu của Nguyễn Văn A. Ngày 12/5/2023, Trung tâm Pháp y Hà Nội ra bản kết luận giám định kết luận: “Mẫu máu của Nguyễn Văn A giám định không tìm thấy Ethanol”, trong khi trước đó, sau khi vụ tai nạn xảy ra một thời gian, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đo nồng độ cồn trong hơi thở của Nguyễn Văn A cho kết quả là: 0,663mg/L.

“Để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Trung tâm Pháp y Hà Nội cung cấp thông tin về việc tại thời điểm uống rượu, sau thời gian bao lâu thì kết quả giám định nồng độ Ethanol trong máu không phát hiện được nồng độ Ethanol. Đối với trường hợp nêu trên, có đủ điều kiện để giám định xác định nồng độ Ethanol không?” - công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra nêu.

Trung tâm Pháp y Hà Nội sau đó đã có công văn trả lời, trong đó nêu rõ mẫu máu Trung tâm Pháp y Hà Nội nhận được là mẫu máu đủ điều kiện giám định theo các quy định pháp luật và theo các tài liệu y văn đã được thế giới công nhận, trung bình lượng Ethanol thải trừ là 0,015g Ethanol/dL máu mỗi giờ với nam giới (tương đương 15mg Ethanol/100mL máu). Như vậy, đối với trường hợp trên, sau thời gian như trong công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì lượng Ethanol đã đào thải hết ra khỏi cơ thể, trong máu nên không tìm thấy Ethanol nữa.

Tránh bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật

Để có thể hiểu thấu đáo hơn về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ThS. Phạm Huy Hoàng - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm tổng hợp, Trung tâm Pháp y Hà Nội. Dưới góc độ của giám định viên pháp y, ThS. Phạm Huy Hoàng cho biết, việc sử dụng và lạm dụng Ethanol trong xã hội gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Nhiều vụ TNGT có nguyên nhân từ lạm dụng bia, rượu. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo GT)

Nhiều vụ TNGT có nguyên nhân từ lạm dụng bia, rượu. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo GT)

Ví dụ, Cục An toàn quốc lộ giao thông Mỹ (NHTSA) ước tính rằng Ethanol có liên quan trong 38% chết do tai nạn xe hơi và 7% của tất cả các vụ tai nạn. Sự chết liên quan đến ảnh hưởng sinh lý của dùng Ethanol mãn tính thường được nhìn thấy trong hồ sơ của điều tra viên và kiểm tra y tế. Và vì thế nỗ lực để ngăn chặn các vấn đề liên quan đến lạm dụng Ethanol được nhiều quốc gia chú trọng, không riêng gì Việt Nam. Pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật quy định về việc phòng, chống lạm dụng rượu, bia như: Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và các quy định khác dẫn chiếu từ luật này.

Cũng theo ThS. Phạm Huy Hoàng, Ethanol có thể được hấp thu vào cơ thể thông qua nhiều đường. Ethanol có thể được hấp thu qua da hoặc qua đường hô hấp nhưng không ảnh hưởng (ở ngưỡng độc). Ethanol có thể được phân bố trong tĩnh mạch và mặc dù qua đường này có tác dụng, nó không phải con đường thông thường để sử dụng Ethanol. Đường uống là đường quan trọng nhất cung cấp Ethanol vào cơ thể. Điều này do khi uống 100% Ethanol được hấp thu và có tác dụng dược lý.

Thải trừ Ethanol cũng xảy ra qua khá nhiều đường. Khoảng 5 - 10% Ethanol thải trừ ở dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu. Ethanol có thể thải trừ ở dạng không chuyển hóa qua nước bọt, khí thở ra và mồ hôi. Tuy nhiên, đường thải trừ chính là chuyển hóa. Hơn 90% Ethanol được chuyển hóa ở gan. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ thải trừ trung bình ethanol là 0,015 g/dL/giờ đối với nam giới và 0,018 g/dL/giờ đối với phụ nữ. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thải trừ này. Người nghiện rượu mãn tính có thể tăng tỷ lệ thải trừ do cảm ứng men. Các yếu tố di truyền cũng có thể liên quan đến việc thải trừ, bởi vì một số nhóm dân tộc có tỷ lệ thải trừ trung bình khác nhau. Với ngưỡng hôn mê Ethanol là khoảng 300mg/dL máu, thì sau khoảng 20 giờ Ethanol sẽ đào thải hết ra khỏi cơ thể (tỷ lệ thải trừ Ethanol trong máu với nam giới là 15mg/100mL/giờ).

“Vì vậy, với nhiều vụ TNGT, khi lái xe gây tai nạn trình diện cơ quan công an sau 1 ngày thì lượng cồn nếu có trong cơ thể cũng đào thải hết. Việc cần thiết là lấy mẫu máu ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn để kết quả định lượng cồn trong máu được chính xác. Mẫu máu khi được đưa ra ngoài cơ thể thì lượng Ethanol trong máu không bị chuyển hóa, thải trừ. Nồng độ Ethanol trong máu khi đó chỉ giảm đi rất nhỏ, chủ yếu là mất đi do bay hơi trong quá trình bảo quản mẫu. Thực tế, tại Trung tâm Pháp y Hà Nội đã giám định nhiều trường hợp không phát hiện thấy Ethanol trong mẫu máu dù các nhân chứng tại hiện trường khai tài xế có thở ra mùi rượu. Hầu hết các trường hợp này xảy ra khi tài xế gây ra tai nạn đã rời khỏi hiện trường, đến khoảng một ngày sau mới trình diện cơ quan công an” - ThS. Phạm Huy Hoàng cho biết.

ThS. Phạm Huy Hoàng cũng chia sẻ thêm một trường hợp TNGT xảy ra lúc khoảng 19h30 tại đường nội bộ khu đô thị gần đại lộ Thăng Long. Người điều khiển phương tiện gây tai nạn khi thổi có nồng độ cồn 0,3mg/L khí thở, nhưng người này không hợp tác, nhất định cho rằng đó là sai số của máy. Sau đó, cán bộ công an gọi điện trao đổi với giám định viên thì được tư vấn đưa ngay người gây tai nạn đến trạm y tế phường gần nhất, để lấy mẫu máu. Mẫu máu được niêm phong, lập biên bản thu mẫu lúc hơn 22h. Sáng hôm sau, mẫu máu được gửi đến Trung tâm Pháp y Hà Nội giám định nồng độ cồn (Ethanol) trong máu. Kết quả nồng độ cồn trong máu là 14mg Ethanol/100mL máu.

Việc pháp luật quy định người điều khiển phương tiện gây TNGT nếu vì lý do bị đe dọa đến tính mạng có thể tạm rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn là quy định nhân văn. Tuy nhiên, thiết nghĩ các nhà làm luật và cơ quan thực thi pháp luật cũng cần xét đến thực tế phát sinh để sớm có giải pháp phù hợp tránh bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Đọc thêm

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'
(PLVN) - Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội trở nên đặc biệt sôi động. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường ứng trực ngày nghỉ, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn...

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai
(PLVN) - Thành phố Lào Cai vừa nâng cấp, cải tạo dự án cầu Phố Mới với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Dự án nhằm mang lại diện mạo mới cho cây cầu quan trọng này, đồng thời nâng cao an toàn giao thông và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ĐT.638 và quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh. 

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.