Nhìn lại hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua, những người làm công tác chuyên môn không khỏi trăn trở. Khu vực này hiện có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các địa phương năm nào cũng tổ chức hội chợ, nhưng nhiều hội chợ không đạt yêu cầu đề ra. |
Ngoại trừ một số tỉnh, thành phố có nguồn kinh phí dành cho XTTM trên 1 tỷ đồng mỗi năm như ĐakLak, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, còn lại nhiều tỉnh khá khó khăn, thậm chí có tỉnh kinh phí hoạt động mỗi năm chỉ dưới 300 triệu đồng. Với nguồn kinh phí như vậy, các địa phương phải tự vận động để có kinh phí hoạt động. Do nguồn lực yếu, một số tỉnh đã xây dựng các chương trình quảng bá tiềm năng, thương hiệu địa phương, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước qua hoạt động giao thương, hội chợ không đem lại kết quả như mong muốn. Hoạt động XTTM khu vực miền Trung-Tây Nguyên diễn ra đơn lẻ và thiếu tính liên kết vùng. Nhiều địa phương có những ưu thế về tự nhiên, sản xuất thương mại và định hướng phát triển tương đối giống nhau, dẫn đến sự cạnh tranh không mang tính định hướng trong khu vực.
Nói về những khó khăn này, ông Nguyễn Tại, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh Lâm Đồng cho rằng: So với hai đầu đất nước, sự phát triển của miền Trung và Tây Nguyên gặp khá nhiều hạn chế. Chương trình XTTM quốc gia hằng năm rất lớn, nhưng chỉ dành cho những địa phương có thế mạnh, còn những địa phương “tỉnh lẻ” ít được quan tâm và ưu tiên. Hơn nữa, chương trình XTTM quốc gia phê duyệt về cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa nhiều và mang tính dàn trải. Năm trước tỉnh này làm, thì năm sau tới lượt tỉnh khác. Tỉnh nào cũng làm theo kiểu cho có, trong khi không chú ý tỉnh mình có thế mạnh đó hay không? Một lãnh đạo Trung tâm XTTM tỉnh Ninh Thuận từng bộc bạch: “Tỉnh bạn tổ chức Hội chợ vùng, chúng tôi mang sản phẩm của mình đi quảng bá, đến khi chúng tôi tổ chức, nhiều địa phương mang sản phẩm đến giới thiệu lại, nhưng nhiều khi không hiệu quả vì nó không phù hợp với vùng”.
Liên kết để cùng phát triển là mong muốn của hầu hết các nhà làm công tác XTTM. Lâu nay, các địa phương trong vùng từng liên kết nhưng tự phát, mà chưa có sự chỉ đạo thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao như đã thấy trong thời gian qua. Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm XTTM thành phố Đà Nẵng cũng thống nhất quan điểm: “Liên kết là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương. Liên kết sẽ đem lại sự lớn mạnh cho vùng, vì khi đó các địa phương sẽ có nhiều thông tin để trao đổi với nhau. Tuy nhiên, năm nào ngồi tổng kết đánh giá lại hoạt động của năm trước, các địa phương cũng đều bàn đến việc liên kết, nhưng liên kết như thế nào để đạt hiệu quả như mong muốn thì chúng ta chưa làm được”.
Hạn chế của công tác XTTM các địa phương miền Trung còn ở chỗ nặng về hoạt động truyền thống như tổ chức hội chợ đa ngành mà không đi sâu vào chuyên ngành nhằm khai thác, quảng bá đúng tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó, sự liên kết và chủ động liên hệ với các Hiệp hội chuyên ngành còn thiếu và yếu dẫn tới sự trùng lặp trong hoạt động XTTM. Để hoạt động XTTM địa phương ngày càng chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả, ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng VPĐD Cục XTTM tại Đà Nẵng, cho biết: Trong các năm 2010-2011, Cục XTTM kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ các địa phương miền Trung-Tây Nguyên về kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, có nhiều chính sách thiết thực, giúp các địa phương hoạt động XTTM hiệu quả hơn… Đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các địa phương có thế mạnh để làm “đầu tàu” dẫn dắt các địa phương khác trong khu vực cùng phát triển.
Bài và ảnh: Duyên Anh