Hai ngày qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền clip ghi lại cảnh cô giáo chạy xe máy dưới mưa rét chở theo hai người con trai để lên lại trường ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam dạy học sau những ngày về quê ăn Tết cùng gia đình đã gây xúc động mạnh.
Hình ảnh một cô giáo ở tỉnh Quảng Nam chở theo hai người con trai trên chiếc xe máy giữa tiết trời mưa rét để quay lại điểm trường vùng cao đã gây “bão mạng” những ngày qua |
Theo tìm hiểu của PLVN, “nhân vật chính” trong clip là cô giáo Nguyễn Thị Hà (SN 1984) công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Hôm 29/1 (tức mùng 8 Tết), cô Hà chở hai con vượt quãng đường đèo dốc hơn 120km từ quê huyện Thăng Bình lên đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ba mẹ con xuất phát từ lúc 9h, đến 14h mới tới nơi.
Phía sau cô Hà là hai cậu con trai, anh lớn học lớp 9 ôm em trai học mẫu giáo còn đang ngủ. Ba mẹ con ngược núi trong tiết trời đầu năm ở huyện Nam Trà My mưa tầm tã, lạnh thấu xương.
Clip ghi lại cảnh cô giáo vùng cao đội mưa, rét chở 2 con trở lại điểm trường dạy học sau Tết gây bão mạng. Clip: Nguyễn Bình Nam |
Clip ban đầu được tài khoản Facebook Nguyễn Bình Nam đăng tải, sau đó một số fanpage đã đăng lại và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Nhiều người đã để lại những bình luận bày tỏ sự cảm phục đối với cô Hà và các giáo viên vùng cao đã hy sinh bản thân mình để gieo con chữ cho các em học sinh.
“Thấy tự nhiên chảy nước mắt, thương thắt lòng. Giáo viên vùng cao đa số vậy hết”; “Thấy thương quá, chỉ vì muốn mọi trẻ em miền núi có được cái chữ, trân quý những con người đi gieo cái chữ”; “Cõng chữ lên non khó nhọc quá. Trân quý những con người đi gieo cái chữ, em thương chị quá, chúc chị thật nhiều sức khỏe bình an...” là những bình luận của người dùng mạng bày tỏ dưới các bài đăng.
Cô Hà cho biết, bản thân đã có 13 năm gieo chữ cho trẻ em vùng núi cao ở huyện Nam Trà My, nhiều năm cô dạy ở điểm trường lẻ, có nơi phải đi bộ 4 giờ đồng hồ. Chồng mất sớm, trước đây cô gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, nhưng sau đó đưa con lên ở chung để tiện chăm sóc.
“Dù điều kiện sinh sống, dạy học ở vùng núi khó khăn gấp bội phần so với đồng bằng nhưng tình yêu thương đối với trẻ em vùng cao đã tiếp thêm cho tôi nhiều động lực để gắn bó với mảnh đất Nam Trà My còn nhiều khó khăn này”, cô Hà tâm sự.