Chạnh lòng hình ảnh cậu bé 2 tuổi theo mẹ đi dọn rác giữa đêm đông Hà Nội |
"Thóc ơi, Thóc có lạnh không con? Mẹ làm nhanh rồi đưa con về nhé!"
"Thóc ơi, đi gọn vào con, để các cô chú đi kìa!"
"Thóc ơi, chậm chậm thôi, con nhầm đường rồi kìa!"
Trong con ngõ trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, người dân thường xuyên bắt gặp hình ảnh nữ công nhân vừa miệt mài đẩy xe rác nặng trịch, cao quá đầu, vừa để mắt đến cậu con trai đang đi chiếc xe thăng bằng bên cạnh.
Cậu bé mặc áo khoác trùm mũ kín đầu, đeo khẩu trang đi lon ton theo mẹ. Trên đầu chiếc xe tí hon, treo lủng lẳng một túi nilon đựng gói bánh.
"Thấy Thóc đi làm theo mẹ, người dân trong ngõ thương, tặng cho con gói bánh. Hôm nay trời lạnh lắm, rét căm căm mà cực chẳng đã, tôi phải mang con theo. Thương con đến quặn lòng", chị Lan rưng rưng chia sẻ.
Cậu bé 2 tuổi đi xe thăng bằng theo mẹ.
Trời lạnh sâu, chị Lan mặc kín áo khoác, đội mũ, bịt khẩu trang cho con. Người dân thương cậu bé, tặng con 1 túi bánh.
Cậu bé ngoan ngoãn đi theo mẹ không rời.
Vài ngày trước, một đoạn video ngắn ghi lại cảnh người phụ nữ lao công đi dọn rác giữa đêm đông lạnh buốt cùng con trai được chia sẻ trên mạng xã hội. Đoạn video nhanh chóng khiến nhiều người xúc động.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Dân trí, nữ lao công xuất hiện trong video là chị Phạm Thị Lan - nhân viên vệ sinh môi trường thuộc tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.
Công việc của chị Lan là đẩy xe rác đi thu gom khắp các ngõ ngách trên đường Kim Mã về điểm tập kết, từ 3h chiều đến 2h sáng hôm sau, tổng quãng đường di chuyển hơn 6km.
Ba tháng nay, do "mẹ lương thấp, không thuê được người trông con" nên chị Lan thường xuyên phải đưa con đi làm cùng ca đêm.
Chị Lan chia sẻ, chị là mẹ đơn thân nuôi 2 người con, con trai lớn nay đã 16 tuổi, mắc chứng suy giảm trí nhớ, học hết lớp xóa mù chữ rồi nghỉ. Đã đổ vỡ một lần trong hôn nhân, đến năm 2019, chị quen một người rồi sinh bé Thóc, nhưng sau vợ chồng cũng không ở với nhau nữa.
Hoàn cảnh gia đình cũng éo le, hiện tại bố đẻ chị đã mất từ lâu, còn mẹ già ngoài 70 tuổi hiện đang ở Lĩnh Nam (Hà Nội). Bà vừa làm bà, vừa làm mẹ chăm sóc nuôi nấng cậu con trai đầu 16 tuổi giúp chị Lan.
Thu nhập hiện tại của chị Lan chỉ khoảng 6 triệu đồng một tháng. Chị Lan phải trả một phần ba số lương cho tiền thuê nhà, rồi tiền thuốc cho mẹ, tiền gửi bà nuôi cháu lớn. Với khoản lương ít ỏi, chị Lan không thể đủ tiền thuê người trông bé Thóc.
"Nhìn con chịu lạnh, sương gió cùng mẹ, tôi thương lắm. Những ngày lạnh thế này, các bạn nhỏ khác được ở trong nhà ấm áp còn con thì cứ rong ruổi ngoài đường, bên cạnh xe rác", chị Lan nghẹn lòng chia sẻ.
Bé Thóc ngoan ngoãn ngồi ở cổng nhà dân, đợi mẹ làm việc.
Thời gian làm việc của chị Lan kéo dài từ 8 - 10 tiếng phụ thuộc lượng rác mỗi ngày, lịch trình xe cẩu rác đến sớm hay muộn.
Chị Lan có dáng người nhỏ, cao chưa đến mét rưỡi, nặng chừng 44kg nên lúc nào, chị cũng chật vật với xe rác cao ngất, nặng trịch. Nhiều khi mệt quá, chị ngồi thụp xuống, thở gấp, chân tay mỏi rã rời. "Có lúc tôi cảm tưởng như kiệt sức nhưng nhìn sang con, tôi lại gắng gượng", chị nói.
Chị Lan gắng hết sức để đẩy xe rác chất chồng.
Hồi đầu, Thóc đi bộ, chạy lẽo đẽo theo mẹ. Một thời gian sau, thấy thương Thóc, người dân tặng con chiếc xe thăng bằng.
Từ ngày có chiếc xe, cậu bé hơn 2 tuổi "xung phong" làm người dẫn đường cho mẹ. Thóc chưa nói sõi nhưng gặp ai cũng "vâng", "ạ", cười thật tươi. Cái sự ngoan ngoãn của cậu bé khiến ai gặp cũng chạnh lòng.
"Đưa con đi theo khiến con vừa vất vả vừa nguy hiểm nữa. Thương mẹ con tôi nên gần đây, hàng xóm thường trông giúp bé Thóc. Hôm nào không nhờ ai trông được thì tôi mới bắt buộc phải mang con theo", chị Lan cho hay.
Nhiều người dân chạnh lòng khi thấy cậu bé Thóc phải theo mẹ đi làm.
Ngoài công việc chính, để có tiền trang trải cuộc sống, chị Lan tranh thủ nhặt thêm chai nhựa, bìa carton để bán, ngày kiếm khoảng 50 nghìn đồng. Thỉnh thoảng, chị nhận dọn nhà thuê, được trả công 100 - 200 nghìn đồng mỗi ca ba tiếng.
Thỉnh thoảng, trong lúc nhặt phế liệu từ đống rác, chị Lan kiếm được những món đồ chơi cũ. Chị lau thật kĩ rồi gọi Thóc tới, đưa cho con. Món đồ chơi bỏ đi của các bạn nhưng đủ làm cậu bé thích thú, cười rạng rỡ.
Thóc thích thú với món đồ chơi cũ mẹ nhặt được.
Cậu bé ngoan ngoan ngồi trong tấm bìa giấy, đợi mẹ làm việc giữa đêm đông, trời lạnh cóng.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Phó phòng tổ chức hành chính chi nhánh môi trường quận Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: "Chị Lan là người tần tảo, chịu khó và rất sạch sẽ nhưng cuộc sống của chị gặp éo le, khi hai người chồng đều dứt áo ra đi.
Trong công việc ai cũng yêu mến chị Lan, làm bao nhiêu năm không có điều tiếng gì. Chúng tôi cũng biết hoàn cảnh của chị nhưng buổi tối bé Thóc theo mẹ, không phải ai cũng có thể trông con được. Cậu bé rất ngoan, ai cho kẹo bánh đều biết vâng, dạ..."
Biết chị Lan đưa con đi làm, đồng nghiệp nhường chị thu gom rác ở đường làng, xóm ngõ để có thời gian để mắt tới con. Tan làm, chị đưa con về phòng trọ, tắm rửa và nấu ăn tối. Khi chị có thể lên giường nghỉ ngơi thì đã chừng 4 giờ sáng.
"Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm ổn định, mức lương khá hơn, trường học mở cửa. Như vậy tôi vừa có thể làm việc lo cho con mà con bớt khổ. Tôi không ngại làm việc cực nhọc, miễn là có tiền lo cho mẹ già, hai con", chị Lan tâm sự.