Ngoài những mặt hàng công nghiệp tiếp tục tăng trưởng thì xuất khẩu một số mặt hàng nông – lâm sản cũng có thể tăng so với cùng kỳ nhờ có thuận lợi nhất định về giá cả và nguồn cung cho xuất khẩu như sau:
Gạo: Dự báo giá gạo xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục giữ vững trong những tháng cuối năm. Theo số liệu dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo năm 2010 có thể đạt khoảng 6,1 triệu tấn.
Cà phê: Giá cà phê trên thế giới hiện nay đang tăng cao trở lại. Lượng cà phê dự trữ đang rất thấp trong khi sản lượng cà phê của Brasil và Việt Nam đều sụt giảm sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung khiến giá cà phê tiếp tục giữ vững ở mức cao trong những tháng cuối năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam khi bắt đầu niên vụ mới. Xuất khẩu cả năm 2010 theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt khoảng 1,8 tỷ USD kim ngạch.
Cao su: Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2010 có thể đạt khoảng 774 ngàn tấn với kim ngạch gần 2,3 tỷ USD, tăng nhẹ về lượng (1,7%) nhưng tăng gần gấp 2 lần về trị giá.
Bộ Công thương dự báo, hai tháng cuối năm xuất khẩu tiếp tục diễn biến thuận lợi.
Gỗ: Những điều kiện thuận lợi về giá cả, nguồn cung, đơn hàng hàng xuất khẩu, cùng với khoảng thời gian cuối năm, khi xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời bước vào mùa vụ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có triển vọng tiếp tục tăng cao. Theo ước tính của Hiệp hội Gõ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ cả năm 2010 có thể vượt kế hoạch và đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2009.
Dệt may: Mặc dù còn những khó khăn nhất định như sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào kéo theo chi phí sản xuất đầu vào tăng, giá điện tăng, vấn đề ổn định lao động…nhưng xuất khẩu dệt may đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng thời gian qua. Hiện các doanh nghiệp dệt may đang đẩy nhanh sản xuất và giao hàng cho những tháng còn lại của năm. Với tốc độ xuất khẩu mỗi tháng đạt trên 1 tỷ USD trong những tháng gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD.
Theo quy luật, kim ngạch nhập khẩu thường tăng cao trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường thế giới có thể giữ ổn định, lượng hàng tồn ho trong nước đối với một số mặt hàng còn tương đối lớn, cùng với việc triển khai tích cực các biện pháp kiềm chế nhập siêu nên dự báo kim ngạch nhập khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ không tăng mạnh.
Dự báo, nhập khẩu cả năm sẽ đạt 82,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2009. Để đạt được mức này, bình quân nhập khẩu 2 tháng cuối năm sẽ phải ở mức 7,6 tỷ USD/tháng. Như vậy, nhập siêu cả năm 2010 sẽ trong khoảng 12,5 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17,8%.
Dự báo một số nhóm hàng cụ thể trong những tháng cuối năm: Sắt thép: mặc dù nhu cầu sắt thép cho hoạt động đầu tư và xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng nhờ lượng tồn kho trong nước còn khá lớn và nhiều nhà máy sản xuất thép bắt đầu đi vào sản xuất cho ra sản phẩm hoặc nâng công suất nên dự báo khối lượng sắt thép nhập khẩu trong những tháng cuối năm sẽ không có đột biến. Ngoài ra, theo dự kiến của các chuyên gia, giá thép trong tương lại sẽ ổn định, khó tăng mạnh nên việc nhập khẩu để dữ trữ sẽ không nhiều.
Xăng dầu: Nhập khẩu xăng dầu 10 tháng đầu năm ước là 5,127 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động ổn định với 100% công suất và có sản lượng tăng mạnh so với kế hoạch, đáp ứng gần 40% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, giá nhập khẩu xăng dầu thời gian tới cũng được dự báo là sẽ ổn định, nên dự kiến nhập khẩu xăng dầu sẽ không có biến động lớn trong những tháng cuối năm và tiếp tục trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2009.
Nguồn: Việt báo