Thứ hạng XNK của Việt Nam tăng lên rõ rệt
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho biết, ngày 12/12/2017, hệ thống Hải quan đã ghi nhận XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Nhìn lại chặng đường XNK của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động XNK.
Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch XNK cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 4 năm sau (năm 2011) quy mô XNK đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian cũng sau 4 năm (năm 2015). Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 02 năm tiếp theo (giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch XNK đã chinh phục mức 400 tỷ USD.
Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần. Theo Tổng cục Hải quan, dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. Nhờ đó mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Ghi nhận và đánh giá cao thành tích quan trọng của ngành Hải quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và gần 80 nghìn doanh nghiệp tham gia các hoạt động XNK cũng đòi hỏi ngành Hải quan phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, góp phần thiết thực vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan, Phó Thủ tướng biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính và yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại thủ tục liên quan một cách căn bản. Theo Phó Thủ tướng, về nguyên tắc, các bộ, ngành quản lý nhà nước chỉ tập trung xây dựng quy trình, thủ tục, còn việc trực tiếp kiểm tra nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị, các trung tâm kiểm định, đo lường.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tập trung chỉ đạo và Tổng cục Hải quan chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan theo Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hải quan điện tử, thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, XNK, xuất nhập cảnh cả về hàng hóa, con người và phương tiện…
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu vào ASEAN 4, tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, khắc phục kịp thời những bất cập trong kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, XNK…
Phấn đấu đạt mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc XNK hàng hóa đạt mốc 400 tỷ USD là sự kiện quan trọng, khẳng định thành công của hoạt động XKN của Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, sự kiện này là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, khoa học và rất hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế.
Trước những đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nỗ lực hợp tác, phối hợp hoạt động và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục XNK hàng hóa. “Mục tiêu sẽ đón nhận những kỷ lục mới về cả chất và lượng XNK hàng hóa cũng như cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới” – Bộ trưởng Dũng tin tưởng.