Sau nhiều năm được định hướng và khuyến khích phát triển, đồng thời được coi là một trong những trục chính của xuất khẩu nông sản, rau quả xuất khẩu năm nay dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD.
Nhiều dự án ngàn tỷ đi vào hoạt động
Theo tìm hiểu của PLVN, giá trị xuất khẩu (XK) rau quả tháng 10/2018 ước đạt 331 triệu USD, đã góp phần đưa giá trị XK rau quả 10 tháng năm 2018 đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2018, XK rau quả sang thị trường này đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 74% thị phần. Một số thị trường khác cũng có giá trị XK rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 35%), Australia (tăng 31,6%), Mỹ (tăng 30,8%) và Hàn Quốc (tăng 24,2%).
Dự báo các tháng cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như Tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), Nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả XK của Việt Nam, vì thế ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu XK 4 tỷ USD trong năm 2018.
Đây được coi là một thành quả vô cùng ấn tượng của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp khi chỉ cách đây vài năm, XK rau quả hết sức nhỏ lẻ và không được đầu tư đúng mức. Nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và vào cuộc quyết liệt của các địa phương, vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã được các thị trường khó tính trên thế giới chấp nhận.
Trái cây Việt xâm nhập thị trường… Thái
Một điều rất đáng chú ý đối với mặt hàng này là trong khi XK sang Trung Quốc có mức tăng trưởng bình quân không cao thì XK sang nhiều thị trường quan trọng khác lại tăng trưởng rất tốt.
Trong Top 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của rau quả Việt Nam, Thái Lan là thị trường tăng trưởng mạnh nhất khi đạt 36,539 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 35,05% so với cùng kỳ 2017. Tiếp đó là Australia, đạt 26,929 triệu USD, tăng 31,61%; Mỹ đạt 99,295 triệu USD, tăng 30,78%; Hàn Quốc đạt 85,164 triệu USD, tăng 24,16%…
Với sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường quan trọng khác, rau quả Việt Nam đang đi theo xu hướng giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhất là với những mặt hàng quan trọng. Chẳng hạn, với mặt hàng thanh long. Trong 8 tháng đầu năm, XK thanh long sang Mỹ có sự tăng trưởng rất lớn, tới 90,1% so cùng kỳ 2017 và đạt 29,13 triệu USD.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, ngoài thị trường truyền thống và chủ lực là Trung Quốc, triển vọng XK mặt hàng rau quả tại nhiều thị trường có giá trị cao hiện nay đang ngày càng có xu hướng tăng mạnh.
Tổ chức FAO cũng dự báo, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018 – 2020, đạt khoảng 320 tỉ USD vào năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng mạnh tại các nước phát triển.
Đối với các nước EU, nhu cầu tiêu thụ rau các loại khoảng 115-130 triệu tấn/năm cùng khoảng 70-80 triệu tấn trái cây/năm và đang có xu hướng gia tăng. Các mặt hàng rau quả được EU nhập khẩu lớn gồm các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, măng cụt, dứa, dừa...
Hiện nay, mặc dù XK rau quả của Việt Nam sang EU chỉ chiếm tỷ trọng 4-5% tổng kim ngạch XK cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có nhiều triển vọng, đặc biệt là mặt hàng chanh leo. Tại thị trường Nhật Bản, nhu cầu các loại trái cây tươi ngày càng tăng mạnh. Hiện, Việt Nam đã được phép XK thanh long (ruột trắng và đỏ), xoài, chuối, dừa sang Nhật Bản, trong đó thanh long Việt Nam là trái cây được đánh giá có dư địa và sức cạnh tranh cao tại thị trường này. Ngoài ra, các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, súp lơ, khoai lang... của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh về XK tại thị trường Nhật.
Tại khu vực Nam Á - Ấn Độ, thanh long Việt Nam đang là trái cây được ưa chuộng hơn cả thanh long Thái Lan và tốc độ tăng trưởng cũng rất khả quan. Đáng nói, Thái Lan mặc dù là nước XK khá lớn trái cây sang Việt Nam, nhưng gần đây, nhiều loại trái cây của Việt Nam cũng đã và đang xâm nhập ngược trở lại thị trường quốc gia Đông Nam Á này và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới như thanh long, vải thiều, mít sấy…