Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông - lâm - thuỷ sản tháng 5/2018 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% (so với cùng kỳ năm 2018).
Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 8,7.
Cũng theo Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, XK nông sản liên tục tăng, tăng từ nhóm nông sản cho đến thị trường và tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã XK tới 180 nước, trong đó nông sản Việt cũng đã chinh phục được những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, trong vài năm lại nay, nhìn vào thống kê XK của ngành nông nghiệp cho thấy giá trị tuyệt đối của nông sản tăng trưởng rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 là 30,5 tỷ, năm 2016 lên 32,2 tỷ, 2017 là 36,2 tỷ thì năm nay, ngành nông nghiệp dự báo tăng còn mạnh mẽ hơn. “Với đà này, năm 2018, XK ngành nông nghiệp có thể sẽ vượt 40 tỷ USD, tăng cả lượng về chất”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra dự báo.
Theo Bộ trưởng Cường, thặng dư ngành nông nghiệp đã tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2017 và sẽ vượt 9 tỷ USD trong năm nay. Sự tăng trưởng này đã góp phần đáng kể vào cân đối ngoại tệ cho quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, ngành nông nghiệp giai đoạn vừa qua đang đứng trước thách thức: tiến lên hiện đại từ một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán và chưa bao giờ, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn xảy ra liên tiếp như nhiều năm qua.
Sở dĩ XK nông - lâm - thủy sản vẫn có những bước phát triển ấn tượng là do tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo 3 trục nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng. Theo đó, 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm quốc gia gồm 10 mặt hàng có giá trị từ 1 tỷ đôla trở lên, nhóm sản phẩm cấp tỉnh nhóm sản phẩm đặc sản cấp làng) đang được cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi đưa công nghệ cao vào.
Nhưng theo Bộ trưởng Cường, vẫn còn đó rất nhiều tồn tại lớn trong sản xuất nông nghiệp như: Tính liên kết 3 trục sản chưa cao; khâu chế biến còn yếu dù thời gian qua ngành đã hành động tích cực; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là trong quản lý vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa; yếu về thị trường chưa tổ chức được thị trường trong nước, thị trường XK vẫn còn nhiều bấp bênh...
“Có thể nói đây là những khâu yết hầu mà chúng ta còn đang rất yếu, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp phối hợp với các bộ của TW, các địa phương, phối hợp các thành phần kinh tế để chúng ta tháo gỡ, vừa bằng thể chế, vừa bằng cơ chế, chính sách đặc biệt là cải cách hành chính”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.