Trong ấn phẩm kinh tế thường niên Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) được công bố ngày 3/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trên chuỗi giá trị gia tăng từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp nhẹ và tiếp theo là sản xuất hàng điện tử.
Tổng kim ngạch thương mại của nền kinh tế đã cao gấp đôi GDP và Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một trung tâm quan trọng trong chuỗi giá trị ở Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và phần cứng cho công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT).
Trong năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng CNTT&TT và điện tử ước tính đạt 91 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Trong năm 2018 Việt Nam có 38.861 công ty CNTT&TT và hiện đang có đến 2.000 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Đầu tư của các công ty đa quốc gia lớn và các nhà đầu tư nước ngoài khác giải thích cho phần lớn sự tăng trưởng nhanh chóng này, nhưng các công ty trong nước cũng đang phát triển nhanh chóng, đáng chú ý là lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech).
Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các chính sách và quy định mới để khuyến khích xu hướng phát triển này. Sự phát triển của nền kinh tế số mang lại cơ hội mới cho những việc làm có hàm lượng tri thức cao. Doanh thu thuần của các công ty cung cấp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT&TT đã tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2015 lên 11,5 tỷ USD trong năm 2018.
Các doanh nghiệp này đóng góp 11,1% vào doanh thu thuần của ngành CNTT&TT và là một nguồn sử dụng lao động rất quan trọng.
Số lượng việc làm trong ngành sản xuất CNTT & TT đã tăng từ 533.000 trong năm 2015 lên 718.000 vào năm 2018.
Cũng trong giai đoạn này, việc làm trong ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT&TT đã tăng 36%, đạt con số 255.000 việc làm.
Việt Nam xếp thứ 42 trong số 129 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sang tạo Toàn cầu 2019, kề vai với các nền kinh tế hàng đầu được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Bảng xếp hạng này phản ánh kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu CNTT&TT cao. Việt Nam có những lợi thế khác cho phép cải thiện hơn nữa về chỉ số này.
Việt Nam có nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng, dân số trẻ, lao động dồi dào và tín dụng phong phú, với tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng ước tính bằng 135% GDP trong năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố kìm hãm sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thứ nhất, tổng chi tiêu của cả nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cả khu vực công lẫn khu vực tư, chỉ bằng 0,53% GDP trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức 1,44% GDP của Malaysia và 0,78% GDP của Thái Lan một năm trước đó, cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam cần phải đẩy mạnh chi tiêu cho R&D.
Thứ hai, các trường đại học ở Việt Nam có thứ bậc xếp hạng thấp hơn so với các nước thu nhập trung bình cao ở Đông Nam Á cả về chất lượng và số lượng, được đo lường bằng tỷ lệ sinh viên nhập học thô.
Mặc dù Việt Nam có ưu điểm hơn về số lượng sinh viên học đại học ở nước ngoài và hàng năm có 55.000 sinh viên trong nước ghi danh theo học các ngành CNTT&TT ở bậc đại học nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp trong tương lai này có thể vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành CNTT&TT đang phát triển nhanh chóng.
Đảm bảo sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày càng nhiều hơn và chất lượng cao hơn là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ.
Thứ ba, trong khi khu vực tài chính tăng trưởng ổn định và các công nghệ fintech sáng tạo đang được áp dụng, khung pháp lý hiện hành không theo kịp sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ fintech.
“Một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng”, báo cáo của ADB khuyến nghị.