Thách thức từ hội nhập
Với kim ngạch XK trong những năm qua, gỗ đã trở thành ngành hàng XK đứng hàng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần đồ gỗ thế giới, thứ 2 ở châu Á và là số 1 ở khu vực ASEAN.
Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)) vừa chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với XK gỗ của Việt Nam.
VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường XK, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ XK.
Để đáp ứng các điều kiện mà EU đưa ra, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống bảo đảm tỉnh hợp pháp gỗ VNTLAS, tiến hành phân loại doanh nghiệp (DN), kiểm soát chuỗi cung gỗ và tiến tới cấp phép FLEGT.
Đánh giá về những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải, ông Nguyễn Tôn Quyền -Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam nhập khẩu (NK) gỗ từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 120 loài gỗ khác nhau, do vậy, việc xác định tiêu chí loài rủi ro, vùng địa lý rủi ro khi xây dựng các quy định về kiểm soát chuỗi cung gỗ NK không đơn giản.
Tiếp đến, các DN phải cải tiến và đầu tư sản xuất để đáp ứng các quy định pháp lý; việc phân loại DN khi cấp phép FLEGT (DN đạt điều kiện mới được phép XK) cũng là những khó khăn phải tính đến.
Theo ông Quyền, việc chấp nhận hội nhập, nghĩa là các DN phải ý thức được sân chơi lớn của mình, vừa đảm bảo lợi ích DN nhưng phải gắn với lợi ích quốc gia, trong đó nguồn gốc hợp pháp của gỗ là yếu tố tiên quyết. “Chỉ cần một DN làm sai quy định sẽ gây ảnh hưởng tới XK gỗ của tất cả các DN khác cũng như XK gỗ nói chung”, ông Quyền nói.
Khó khăn vùng nguyên liệu
Tại hội nghị về XK gỗ và các vấn đề hội nhập mới đây, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA) thẳng thắn chỉ ra: “Gỗ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ không bao giờ thiếu. Nếu nguồn gỗ nguyên liệu trong nước không đủ, các DN có thể NK từ các nước khác. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ, thì phải gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước”.
Ông Hiệp cho rằng, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là một tầm nhìn quốc gia và dài hạn cho sự phát triển bền vững và chủ động, không những cung ứng nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ với mục tiêu hướng đến là trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới, mà còn chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành sản xuất gỗ toàn cầu...
Đại diện Công ty Woodsland cũng cho biết, các DN hiện đang rất khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu mà nguyên nhân chính là do thương lái thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô; Một phần do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng, đặc biệt như Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc... dẫn đến tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực một cách rõ rệt, làm gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển.
“Khách hàng yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc gỗ, phải hoàn toàn hợp pháp, có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.... Để đạt được những tiêu chuẩn cao của khách hàng quốc tế, nhiều DN, trong đó có Woodsland chúng tôi phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cũng như hệ thống quản lý minh bạch”.
Theo thống kê, năm 2018, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ là trên 40 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ trong nước khoảng 30 triệu m3, chiếm 75% so với tổng lượng nguyên liệu gỗ.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific cũng khẳng định khi nguồn nguyên liệu ổn định, DN có thể tính đến chuyện cải tiến sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu. Ông Thắng cho biết, khi Scansia Pacific mua gỗ từ nguồn trồng, DN yêu cầu đơn vị sơ chế tại địa phương theo quy cách DN cần. Tính ra cách này giá nguyên liệu tuy cao hơn thị trường nhưng hao hụt lại giảm đáng kể và DN bớt công đoạn sản xuất. “Rõ ràng, liên kết với lâm dân đã tạo vị thế mới cho DN, tạo điều kiện cho DN chủ động hơn trong kinh doanh và hiệu quả hơn trong sản xuất”- Ông Thắng chia sẻ.
Đại diện DN này cũng cho rằng, khi người nông dân tin cậy DN, thì khi khai thác họ sẽ ưu tiên bán cho DN. Lúc này lợi ích mà DN đạt được không hề nhỏ. Đầu tiên, yếu tố ổn định nguồn nguyên liệu sẽ là lợi thế lớn cho DN. Với DN, khi sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, đầu ra cũng kiếm dễ hơn vì hiện nay các khách hàng, đặc biệt là Châu Âu đều yêu cầu có chứng chỉ FSC họ mới mua hàng. Một DN quan tâm đến xuất xứ hợp pháp của nguồn nguyên liệu cũng sẽ cải thiện vị thế cao hơn trong mắt khách hàng.