Xuất khẩu cá tra tăng cao
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2018, XK cá tra đạt 1,41 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ mức tăng trưởng giá trị XK khả quan sang một số thị trường lớn như Trung Quốc - Hong Kong, Mỹ, EU, ASEAN, UAE, Colombia nên tổng XK sản phẩm này vượt so với dự đoán.
Đánh giá về xung đột thương mại Trung - Mỹ sẽ tác động như thế nào đối với XK các sản phẩm nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cho rằng có cả lợi thế và hạn chế.
Ông Toản cho rằng, lợi thế lớn nhất chính là Việt Nam có thể tăng cường XK sang hai thị trường này, trong đó có thủy sản. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ nhận được nhiều đầu tư khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc bị thu hẹp lại. Chính vì thế, XK cá tra đã có nhiều tín hiệu vui trong thời gian qua.
Được biết, Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam trong vòng ít nhất 3 năm qua và thường xuyên hoán đổi vị trí dẫn dầu thị trường. Trong 2 năm trở lại đây, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đột biến, nhiều doanh nghiệp (DN) XK cá tra đổ xô sang thị trường này. Nhờ đó, Trung Quốc thay Mỹ đứng ở vị trí số 1 trong top 10 thị trường XK cá tra Việt Nam.
8 tháng đầu năm nay, giá trị XK sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kong đạt 332,5 triệu USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23,5% tổng XK. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2018, tốc độ XK sang thị trường này có chiều hướng giảm dần.
Còn tại thị trường Mỹ, mặc dù tính tới hết tháng 8/2018, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 321,2 triệu USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước, là thị trường XK thứ 2 (sau Trung Quốc - Hong Kong). Tuy nhiên, có thể trong quý IV với sự gia tăng XK khả quan hơn, Mỹ lại trở lại vị trí dẫn đầu. Cũng từ tháng 6/2018, khi các DN cá tra giảm sự chú ý sang thị trường Trung Quốc thì giá trị XK cá tra sang Mỹ tăng với giá trị XK trung bình từ 50 - 66 triệu USD/tháng. Tính riêng tháng 8/2018, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 65,9 triệu USD, tăng 256% so với cùng kỳ năm 2017.
Vùng nuôi trọng điểm thiếu nguồn cung
Trước đà tăng mạnh XK cá tra, tại các vùng nuôi cá tra thuộc khu vực ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, những ngày qua giá cá tra nguyên liệu kích cỡ từ 1,5 - 2kg/con trở lên tăng giá đột biến, các DN đến tận ao thu mua, trả tiền mặt với giá từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, thậm chí có loại người nuôi còn bán được với giá 36.000 đồng/kg. Đây được coi là mức cao nhất trong 20 năm qua.
Với giá bán như vậy, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, người nuôi có thể lãi từ 6.000 - 10.000 đồng/kg cá. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, tạo thuận lợi giúp nông dân tái sản xuất ở những vụ nuôi tiếp theo ở vùng trọng điểm nuôi trồng là ĐBSCL.
Ông Lê Chí Bình - Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang cho biết, cá tra tăng giá cao do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK đang bị thiếu hụt. Trong khi đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhập khẩu dẫn đến cung không đủ cầu. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các DN không còn nhiều nên buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.
Bên cạnh nguồn cung thiếu, nhiều DN XK cá tra cho rằng một nguyên nhân khác tạo nên cơn sốt về giá cá tra như hiện nay là do chất lượng sản phẩm cá tra ở nước ta được nâng cao, cá được XK vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU nên có sự cải thiện về giá bán.
Với đà tăng mạnh XK thời gian qua, các DN dự báo, giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục giữ giá tốt, đồng thời, mục tiêu giá trị XK toàn ngành có thể đạt hơn 2 tỷ USD trong năm 2018 hoàn toàn có thể đạt được.
Giá nguyên liệu tăng cao đã kích thích người nuôi đẩy mạnh sản xuất kéo theo cơn sốt cá tra giống. Hiện một kg cá tra giống có giá bán dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Do chi phí con giống khá cao nên ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân hết sức thận trọng trong việc thả nuôi, cần bám sát nhu cầu thị trường và nên có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy trước khi thả nuôi./.