Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 9/2022, đạt gần 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong quý 3/2022 lên hơn 46 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu lạc quan vì con số này tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Theo bà Nguyễn Hà, Chuyên gia thị trường cá ngừ cho biết, một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do các thị trường chuẩn bị vào mùa cao điểm cho dịp lễ cuối năm. Bên cạnh đó, lệnh cấm veda tại khu vực EPO từ 29/7 và kéo dài 72 ngày đã khiến cho nguồn cung cá ngừ cho thị trường EU từ khu vực này giảm.
Hơn nữa, giá cá ngừ tại khu vực Manta, Ecuador chênh lệch nhiều so với tại khu vực Bangkok, Thái Lan. Do đó EU có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ từ các nước Châu Á trong thời điểm này.
Trong bối cảnh này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam với lợi thế về mặt thuế quan theo hiệp định EVFTA đang có sức cạnh tranh tốt hơn so với các nước như Philippines, Indonesia hay Thái Lan.
Năm nay, do chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển cao, các nhà đóng hộp của EU không muốn vận chuyển hàng hóa của họ qua cảng Rotterdam ở Hà Lan, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho hóa đơn CFR của họ. Chính vì vậy mà các nước như Đức, Bỉ, Rumania hay Pháp có xu hướng giảm nhập khẩu gián tiếp qua cảng Rotterdam, tăng nhập khẩu trực tiếp.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tại thị trường EU nếu như những năm trước Italy là 1 trong số 3 thị trường xuất khẩu nhiều cá ngừ của Việt Nam. Năm nay xuất khẩu sang các thị trường này giảm 70% trong 9 tháng đầu năm 2022 và tụt xuống vị trí thứ 7. Cùng với Italy, Tây Ban Nha là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu nhiều nhất, cũng giảm. Thay vào đó, Đức và Bỉ có xu hướng tăng trong giai đoạn này, đặc biệt là Bỉ tăng tới 111% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, xuất khẩu sang một số thị trường EU khác cũng đang tăng mạnh so với cùng kỳ là Rumania tăng 102%, Pháp tăng 155% và Đan Mạch tăng 305%.
Hiện có hơn 50 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang EU. Trong đó, Bidifisco, Tuna Việt Nam và FoodTech là 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang khối thị trường này, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước sang EU.
Dự báo, với tình hình lạm phát tại Châu Âu vẫn không ngừng gia tăng, tiêu thụ cá ngừ tại khối thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp.
Tuy nhiên, sự mất giá của đồng euro so với đồng đô la Mỹ đang khiến cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp trở nên đắt đỏ với người Châu Âu. Do đó, các nhà nhập khẩu Châu Âu sẽ có xu hướng gia tăng nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các nguồn cung có giá cạnh tranh và lợi thế về mặt thuế quan. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm vì thế sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021.