Xuất hiện nhiều “cô đồng” xem bói trên mạng: Tỉnh táo phân biệt thực hành tín ngưỡng và mê tín dị đoan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội cũng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều đối tượng “buôn thần, bán thánh” truyền bá sai lệch những giá trị tín ngưỡng tốt lành để trục lợi.
Tài khoản Tiktok của một “cô đồng” đăng tải nhiều clip thu hút hàng triệu lượt xem. (Ảnh minh họa)

Tài khoản Tiktok của một “cô đồng” đăng tải nhiều clip thu hút hàng triệu lượt xem.

(Ảnh minh họa)

“Loạn cô đồng”

Những ngày qua, một tài khoản Tiktok có tên Q.P được gọi là “cô đồng bát nước” đăng tải nhiều clip thu hút hàng triệu lượt xem, tài khoản này hiện có hơn 461 nghìn người theo dõi. Trong nội dung những clip chia sẻ trên mạng xã hội, Q.P tự nhận là “cô đồng bát nước”, “Hoàng Thiên ân đức” và quảng cáo “xem bói cô đồng bát nước” có thể “nhìn rõ” được căn số, công danh, sự nghiệp và vận hạn của người đến xem. Chỉ với thao tác người xem mở bát nước, cô đồng này có thể đọc vanh vách chuyện gia đình, chuyện đất cát, vong nhập, cơ đày, sát căn, cắt duyên âm...

Tại một clip được đăng tải cách đây ít ngày trên Tiktok, “cô đồng bát nước” sau khi “bắt bệnh” cho một người xem liền hướng dẫn người này nên về đâu lễ để giải quyết bản mệnh của mình và “cô đồng” này sẽ đưa phần đồng cốt, linh hồn về với cửa “cha mẹ”. Trong một clip khác, xung quanh có nhiều bạn trẻ trang điểm kỳ lạ, có hành động khóc lóc, quỳ lạy bất thường, “cô đồng bát nước” bắt một nữ thanh niên cúi lạy 3 lần và phán mở bát nước. Sau khi “soi” vong và bản mệnh cho người yêu cầu, cô đồng này nói rằng có một loại vòng đã được tẩy uế, được “yểm phép” của “cô đồng bát nước”. Ai đeo vòng này sẽ đẩy được xui xẻo, ưu phiền và phát triển được công danh, sự nghiệp. Ngoài những phán truyền mê tín dị đoan, “cô đồng bát nước” cũng có những phát ngôn không chuẩn xác về Thánh Hoàng Bẩy khiến những người am hiểu văn hóa, lịch sử tâm linh có ý kiến.

Trao đổi với phóng viên, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Thánh Hoàng Bảy trong tín ngưỡng thờ Mẫu là Thần Vệ Quốc tên húy là Nguyễn Văn Bảy. Ngài được sắc phong Thượng đẳng thần trấn miền biên ải quan trọng phòng thủ biên giới cửa trạm Sông Hồng Tây Bắc, có công dẹp giặc nên được Nhân dân lập đền thờ Thánh Hoàng đền Hoàng Bẩy hay còn gọi là đền Bảo Hà. Đây là một trong hàng Tứ phủ Đạo thờ Mẫu tín ngưỡng dân gian, chứ không phải thuộc hàng Thoải phủ như phát ngôn trên livestream của “cô đồng bát nước”. Chúng ta cần phải thực hành tín ngưỡng cho đúng và có ý thức bảo tồn di sản văn hóa”.

Có thể nói, tình trạng loạn “cô đồng” đang gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định với một bộ phận người dùng mạng. Gần đây, dư luận cũng xôn xao về các clip của “cô đồng xem hoa hồng trắng” trên nền tảng mạng xã hội TikTok có tên là Y.NTP. Trong một clip thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận, “cô đồng” này khẳng định chỉ cần xem hoa hồng là có thể nhìn thấu mọi chuyện về căn số, công danh, sự nghiệp, tình duyên…

Thực hành tín ngưỡng khác mê tín dị đoan

Ranh giới giữa thực hành tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan trong cộng đồng hiện nay có lúc, có nơi khá mong manh. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ từng chia sẻ với truyền thông: “Để thực hành đúng tôn giáo, tín ngưỡng đòi hỏi cần hiểu rõ bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng. Tín ngưỡng là phạm trù rộng có thể có tín ngưỡng từ cổ xưa, có tín ngưỡng của các tôn giáo thì chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng trong tín ngưỡng có một tập hợp nhỏ hơn, đó là những mê tín. Tín là tin, ngưỡng là ngẩng lên ngưỡng vọng, còn mê tín là tin vào những điều sai lầm. Dị đoan cũng vậy, tin vào điều khác lạ so với các tôn giáo, khoa học. Nhưng vấn đề trong quá trình mê tín dị đoan đó, trục lợi và thậm chí tìm cách lừa gạt thì cái đó mới là tiêu cực và cần bài trừ”.

Nhà nước ta cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm bảo đảm trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Pháp luật hiện có các quy định, chế tài xử phạt cụ thể với các hành vi mê tín dị đoan, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm. Đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách đây hơn một năm, mạng xã hội nổi lên vụ việc cô đồng T.T.H được gọi là “cô đồng bổ cau” xem bói bằng hình thức bổ quả cau với câu nói “đúng nhận, sai cãi”. Chỉ trong 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của “cô đồng” này đã có hơn 150.000 lượt theo dõi. Điều này cho thấy, sức ảnh hưởng không nhỏ của mạng xã hội và một số người dân rất dễ hùa theo “tâm lý đám đông”.

Tháng 2/2023, “cô đồng” T.T.H bị Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng vì hành vi cổ xúy mê tín dị đoan. Sau đó, người dân tố cáo đến cơ quan công an về việc “cô đồng” này nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã khởi tố bị can đối với đối tượng T.T.H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trong đời sống xã hội hiện nay, yếu tố văn hóa tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, song vẫn phải đấu tranh chống lại các hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan. Những điều mà các “cô đồng”, “bà cốt” đưa ra như trên là hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở nào để tin theo, nhất là khi các đối tượng yêu cầu phải trả phí hoặc đóng góp vật chất thì đó chính là hành vi lợi dụng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan trục lợi. Ngoài các hình thức xử phạt nghiêm minh của cơ quan chức năng thì chính bản thân mỗi người cũng cần nâng cao kiến thức về luật, tránh rơi vào “bẫy” của những trò lừa đảo, phạm pháp “núp bóng” tâm linh.

Đọc thêm

Quản lý tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch: Tạo hành lang pháp lý để người dân tin tưởng

Người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Sở VH,TT&DL Thái Bình)
(PLVN) - Đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Sau 1 năm thực hiện Thông tư 04, cả nước thu 4.100 tỷ đồng. Con số này cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội. Và điều họ cần là việc quản lý tiền công đức, tài trợ luôn được công khai, minh bạch.

Lần đầu tổ chức 'Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài'

Đây là hoạt động thiết thực góp phần hiện thực hóa, lan tỏa tinh thần Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Nhằm góp phần tăng cường sức mạnh mềm văn hóa của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Pháp và châu Âu, chương trình “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam và châu Âu: Góc nhìn đan xen”.

Vang khúc tráng ca lịch sử của ngành cơ yếu

Vang khúc tráng ca lịch sử của ngành cơ yếu (ảnh BTC)
(PLVN) -  Lần đầu tiên công chúng cả nước có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về ngành cơ yếu Việt Nam, một ngành cơ mật đặc biệt thông qua chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024”.

Vẫn chờ 'bộ mặt mới' của đội tuyển Việt Nam

HLV trưởng Kim Sang Sik còn nhiều việc phải làm với đội tuyển Việt Nam trước giải đấu AFF Cup vào cuối năm. (Nguồn: VFF)
(PLVN) - Dù gọi lại các cựu binh thời ông Park Hang seo và pha trộn nhiều nhân tố trẻ, nhưng bộ mặt của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang Sik chưa có một lối chơi ấn tượng hay gây cảm hứng. Biết là đội tuyển Nga mạnh hơn chúng ta nhiều, nhưng đội hình thử nghiệm của ông Kim chưa làm người hâm mộ hài lòng.

Thực hiện nghiêm an toàn du lịch mùa mưa bão

Du khách rời đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trước cơn bão số 2, ngày 22/7. (Ảnh minh họa: T.Đức/NLĐ)
(PLVN) - Tháng 9 là mùa mưa bão ở nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, các địa phương, công ty du lịch - lữ hành đã có những phương án bảo đảm an toàn cho du khách và người dân làm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, bản thân mỗi hành khách cần phải theo dõi tình hình thời tiết để có phương án đi du lịch tốt nhất.

“Viên ngọc xanh” Cao Bằng hướng tới du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

“Viên ngọc xanh” Cao Bằng hướng tới du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
(PLVN) - Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 05/9 - 17/9/2024. Hội nghị quốc tế có khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao chủ trì Hội nghị.

Rộn ràng hương sắc truyền thống chuẩn bị đón Trung thu

Nét đẹp văn hóa truyền thống đang được lan tỏa trong mỗi dịp Trung thu. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)
(PLVN) - Mặc dù còn hai tuần nữa mới đến Trung thu, nhưng hiện tại, ở nhiều tỉnh, thành phố đã treo đèn kết hoa chuẩn bị cho dịp lễ truyền thống. Các hoạt động kéo dài từ đầu tháng 9 cho đến hết ngày 17/9 (rằm Trung thu) hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm văn hóa dân gian thú vị, thu hút người dân đến khám phá, tham quan.