Xuất hiện hai ổ dịch cúm A/H5N6 tại Bà Rịa-Vũng Tàu

ảnh minh họa
ảnh minh họa
(PLVN) - Ngày 31/7 và 1/8, tại hai hộ dân ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tuýp A chủng H5N6, với tổng đàn 10.500 con. 

Theo Báo Điện tử Chính phủ, sau khi nhận tin báo, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lấy mẫu xét nghiệm, gửi Chi cục Thú y vùng VI. Kết quả cho thấy, bốn mẫu bệnh phẩm tại hai cơ sở chăn nuôi trên đều dương tính với virus cúm A/H5N6.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 10.500 con gà tại hai hộ trên; khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, điều tra dịch tễ tại ổ dịch, lấy mẫu tại hai hộ nuôi gà xung quanh ổ dịch để xét nghiệm đánh giá sự lưu hành của virus.

Theo nhận định, hai hộ xuất hiện cúm gia cầm H5N6 tại xã Phước Thuận đều chưa tiêm phòng cúm H5N6. Số gà giống nhập về đều xuất phát từ tỉnh Bình Định. Trước khi dịch xảy ra, một hộ đã bán vài nghìn con gà thịt. 

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã xuất 230 ngàn liều vaccine cúm H5N6 tiêm cho đàn gà của ba địa phương có dịch và trong vùng nguy cơ cao của huyện Xuyên Mộc. Chi cục cũng khuyến cáo người dân tiêu độc, khử trùng chuồng trại; các hộ dân sinh sống vùng có dịch không được tái đàn vào thời điểm này. Số gia cầm sử dụng phải được cơ quan thú y kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng. Những gia cầm xuất ra khỏi địa phương đang có dịch phải được sự cho phép của cơ quan thú y, khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới vận chuyển khỏi vùng có dịch…

Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… Đặc biệt bệnh cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong (đã ghi nhận người mắc dẫn đến tử vong ở Trung Quốc). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cúm lây truyền từ người sang người.  Tại Việt Nam, chủng virus cúm này được phát hiện trên đàn gia cầm từ vài năm trước.

Bộ Y tế khuyến cáo cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ. 

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...