Cuộc chiến tranh biên giới xảy ra cách đây vừa tròn 40 năm. Trong suốt những năm tháng đó, mặt trận Vị Xuyên trở thành chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Vị Xuyên - bản hùng ca giữ đất
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra từ rạng sáng 17/2/1979 tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang và kéo dài gần mười năm sau đó. Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nằm sát biên giới Việt - Trung là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, tổn thất nhất.
“Cảnh đẹp ngày xưa đâu còn nữa, nhường vào đó là của những ngày này, tất cả mọi cảnh vật đều chìm trong mưa đạn pháo, cối, hỏa tiễn, súng bắn thẳng của địch. Không gian ngày đêm không ngừng tiếng rú rít của đạn pháo các loại, mặt đất ít nơi còn nguyên vẹn vì những đạn pháo cối, các sườn núi và các đỉnh cao đã đỏ loét vì hầm hào. Ai là người có lương tri và yêu chuộng hòa bình đến đây hẳn sẽ căm phẫn và xót xa biết chừng nào. Dải đất biên cương thanh bình, yên ả nay đã trở thành trận tuyến ác liệt” - (Trích hồi kí của liệt sĩ Trần Trung Thực ở mặt trận Vị Xuyên).
Trong 5 năm 1984-1989, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, gần 600 người lính của Sư đoàn 356 đã ngã xuống.
Họ đa phần mới ở độ tuổi đôi mươi, đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Từ cao điểm 468 có thể nhìn thấy các cao điểm 772, 685, 1509, những địa danh được các cựu chiến binh Việt Nam gọi là Đồi thịt băm, Thung lũng gọi hồn, Lò vôi thế kỷ, Ngã ba cửa tử… Nơi mỗi nắm đất, mỏm đá cũng đều thấm máu chiến sĩ, những người đã chấp nhận hy sinh để giành giật từng tấc đất giang sơn.
Thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội mình, người cựu lính đặc công Vàng Văn Xuyên của Trung đoàn 824 nhìn xa về phía mặt trận, trầm giọng kể: “Nhiệm vụ của tôi ngày đó là cùng tổ công tác đặc công tìm cách chui sâu vào phía bên kia địch. Điều nghiên địa hình, đánh nhanh rút gọn rồi về làm địa bàn cho bộ đội ta xây dựng mặt trận chiến đấu. Nếu để diễn tả mức độ khốc liệt của cuộc chiến, những khó khăn, hy sinh của người lính thì khó ngôn từ nào diễn tả nổi”.
Đài hương tưởng niệm chiến trường Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang |
Đài hương bất tử trên điểm cao 468
Trên con dốc chênh vênh lên điểm cao 486, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, tôi thầm nghĩ ở dưới mặt đường gồ ghề này hay ở dưới thung khe kia vẫn còn hài cốt của những người chiến sỹ trong trận đánh năm xưa. Những người cựu binh của trận chiến biên giới phía Bắc năm xưa đều chung niềm day dứt, khôn nguôi nhớ về nhiều đồng đội hi sinh chưa tìm thấy. Đâu đó ngoài những điểm cao kia, thân xác các anh tan trong đất mẹ và trở thành bất tử như lời thề khắc trên báng súng của Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Ninh: “Sống trong đá, chết trong đá, hoá thành bất tử”.
Lên đài tưởng niệm bây giờ đã có thể đi bằng xe ôtô trên con đường bê tông vừa hoàn thành thay thế cho con đường cũ dốc hẹp, trơn trượt. Cách đây mấy năm, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã tự nguyện quyên góp xây dựng lên một đài hương tưởng niệm để tưởng nhớ những đồng đội ngã xuống. Bao quanh đài hương của Sư đoàn 356 là nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ của cả mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang. Đài hương tưởng niệm nhìn sang các cao điểm 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi có nhiều người lính ngã xuống trong trận chiến khốc liệt ngày 12/7/1984.
Từ khi khánh thành nhà tưởng niệm, những người cựu binh năm xưa về thăm đồng đội, thăm chứng tích chiến trường xưa đông hơn. Người còn sống ngồi bên chân đài hương, hướng về phía chiến trường xưa hát: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào, được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình, quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà”.
Màu xanh đất lửa Vị Xuyên
Căn nhà của cựu binh Vàng Văn Xuyên khá bề thế nằm ngay bên con đập tràn đầu xã Thuận Hòa. Rót mời khách xa chén nước chè xanh, ông tâm sự: Chiến tranh đã qua, giờ người dân nơi đây ai ai cũng chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình. Giờ trong xã, trong bản không hiếm nhà sắm được ôtô để đi thu mua thảo quả, nông sản. Trồng rừng, trồng cây ăn trái, nhất là giống chè san tuyết giờ trở thành mũi nhọn cho bà con trong vùng phát triển kinh tế.
Vùng đất Vị Xuyên ngày trước dày đặc bom mìn nay cũng được bộ đội rà phá để mang lại màu xanh ấm no cho người dân trong vùng. Mấy năm gần đây nhiều khách tham quan tìm đến thăm chiến trường xưa, ông Vàng Văn Xuyên nói rất mừng vì truyền thống yêu nước, uống nước giữ nguồn vẫn tiếp tục được lớp trẻ tiếp nối. Chợt nhớ tới câu chuyện với ông Nguyễn Hữu Việt- Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Vị Xuyên cho biết, mấy năm nay du lịch tâm linh được huyện tập trung phát triển và chiến trường xưa trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch đến đây.
Chiến trường xưa giờ đã bạt ngàn màu xanh cây trái. Biên cương hôm nay mây trắng đùn cao từng dãy bạc. Những bản làng mọc lên san sát, tiếng trẻ thơ nô đùa bên những ngôi trường khang trang hòa vào tiếng suối, tiếng chim thành bản nhạc mang tên hòa bình. Tấm bản đồ đất nước đã được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được vẹn toàn, bởi ở đó có những cột mốc chủ quyền được dựng bằng máu xương và tuổi trẻ của bao người người lính.