Khi mặt trời lên…
Chúng tôi tới Trại giam Nà Tấu (ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi cái lạnh vẫn se sắt ẩn mình trong những lớp mây mù. Những cơn gió, những hạt mưa phùn đầu xuân vẫn lẩn khuất lưng chừng núi. Trên con đường đầy thơ mộng từ quốc lộ vào trại giam với hai bên là hàng dã quỳ vàng rực, thi thoảng chúng tôi bắt gặp nụ cười của không ít phạm nhân đang lao động. Họ cười đó nhưng chúng tôi cảm nhận được ẩn sau đôi mắt ấy lại chất chứa nỗi nhớ nhà, sự ân hận về những việc làm sai trái của mình trong quá khứ, để rồi họ phải đánh đổi bằng những cái Tết xa gia đình. Đó còn là niềm khao khát được quay về nẻo thiện, được sống như những người bình thường, được giãi bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình không chỉ đối với người thân, gia đình mà cả xã hội.
Khi mặt trời lên rõ, những bóng áo sọc kẻ bắt đầu công việc của mình, người tay cuốc, tay xẻng đi trồng trọt; người đi học lớp kĩ năng hòa nhập cộng đồng; người đi học khâu bóng... Họ là những phạm nhân đang trong quá trình cải tạo tại Trại giam Nà Tấu.
Theo các cán bộ Trại giam Nà Tấu, hiện tại, Trại đang giáo dục cải tạo trên 1.500 phạm nhân, đối tượng quản lý, giáo dục đa dạng, phức tạp, như: Có trên 80% phạm nhân liên quan đến tội phạm ma túy, 1/3 phạm nhân có tiền án, tiền sự; phạm nhân là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 84,7%; phạm nhân không biết chữ hoặc tái mù chữ, chiếm 29%; 90% số phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn; trình độ văn hóa, nhận thức xã hội ở mức thấp, nghề nghiệp không ổn định, trước khi phạm tội một số phạm nhân trước đây do đua đòi, lười lao động, nghiện các chất ma túy, nhiều tiền án, tiền sự, nên gia đình bỏ mặc, không đến thăm nuôi, đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Họ được các cán bộ Trại giam dạy về những kĩ năng để ổn định tư tưởng, yên tâm học tập, phấn đấu tự tu dưỡng, rèn luyện, cải tạo tốt và chuẩn bị cho mình hành trang tri thức, hiểu biết pháp luật để có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội, sau khi mãn hạn chấp hành án phạt tù. Đồng thời, các phạm nhân ở đây còn được hướng dẫn cách làm nương, học nghề như làm vàng mã, khâu bóng... để sau này ra ngoài dễ dàng kiếm công ăn việc làm.
Chuyện của những con người lầm lỗi
Đâu đó trên những tờ báo tường còn lưu lại ở trại giam, chúng tôi ấn tượng với câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Trọng Tuệ (Tam Đường, Lai Châu). Trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Tuệ bảo rằng, đó là câu chuyện về quá khứ của một “thầy giáo phạm tội” nhưng sau quá trình được các cán bộ Trại giam Nà Tấu giáo dưỡng, chỉ bảo đã có “niềm tin hướng thiện”.
Anh Tuệ vốn là một thầy giáo sinh ra trong gia đình cơ bản. Cuộc sống sẽ cứ êm đềm trôi qua nếu như “ông giáo làng” biết kiềm chế bản tính nóng nảy của mình. “Ngày 27/2/2013 tôi đi Sa Pa du xuân thì nhận được điện thoại mẹ báo tin có người say rượu đến nhà đánh bố gãy tay. Tôi lái xe quay lại để đưa bố đi viện nhưng trên đường về tôi gặp người mà mẹ vừa nhắc tới trong điện thoại, đang đi ngược chiều. Tôi đã lái xe đâm thẳng vào anh ta. Tôi ra đầu thú và bị khép tội giết người với mức án 5 năm tù. Cuộc sống của một thầy giáo đã khép kín sau song sắt kể từ giờ phút đó.
Ngồi trong Trại giam tôi vô cùng ân hận. Càng hận mình tôi càng cảm thấy mất phương hướng, mất niềm tin vì ngày trở về còn rất dài. Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ Trại giam Nà Tấu đã kịp thời nắm bắt tư tưởng, gặp gỡ và chỉ cho tôi hướng cải tạo”, anh Tuệ nói đồng thời cho biết ấn tượng câu nói của cô Phạm Thị Hương Giang: “Các anh bên ngoài xã hội dù là ai, làm gì với những lí do chủ quan hay khách quan mà vi phạm pháp luật, khi vào đây, chúng tôi là những người định hướng, giáo dục các anh cải tạo để trở về xã hội. Dù các anh có hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng hãy biến những điều không thể thành có thể...”. Từ câu nói này tôi đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và được xếp loại cải tạo khá tốt. Tôi tin rằng, chỉ cần cầm tờ giấy mãn hạn tù về tôi sẽ là người lương thiện.
Giờ đây tôi tin vào tương lai. Tôi biết, cuộc sống không có phép màu. Đối với chúng tôi chỉ cần có con đường “nỗ lực cải tạo thật tốt” là lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả mọi người đã giúp chúng tôi nhìn ra giá trị đúng nhất của cuộc sống...”. Đó là những dòng tâm sự của anh Nguyễn Trọng Tuệ. Anh bảo, ngày anh gây án cũng là vào mùa xuân, những ngày Tết. Và cũng có 5 năm anh không được ăn Tết cùng gia đình, 5 năm người thầy giáo không được đứng trên bục giảng. Bao nhiêu nỗi niềm đều gửi lại hết sau song sắt trại giam.
Gặp phạm nhân Lò Văn Khan, án 14 năm, tội vận chuyển chất ma túy, chúng tôi càng thêm hiểu sự khát khao nẻo thiện của những phạm nhân đang cải tạo ở Trại giam Nà Tấu. Khan bảo: Khan đã lẩn trốn suốt 12 năm và cho tới giờ phút này, thấm thoát đã hơn 13 năm kể từ ngày Khan trốn truy nã trốn tránh pháp luật đến ngày Khan ra đầu thú cũng là khoảng thời gian anh suy ngẫm lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra, những tổn thất về vật chất và tinh thần cho xã hội và gia đình nghiêm trọng như thế nào. “Thời gian chấp hành án tại Trại giam Nà Tấu đã hơn 2 năm, chặng đường phía trước còn quá dài, tôi rất thương vợ và các con, các cháu. Tôi sẽ ra sức cố gắng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, nhờ chính sách khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về”, Lò Văn Khan nói.
Mong ước của những người quản giáo
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu cho biết: “Xác định việc giáo dục người phạm tội trở thành công dân lương thiện có ích cho xã hội là công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, phức tạp, đòi hỏi sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả. Đặc biệt là thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người sắp chấp hành xong án phạt tù. Do vậy, vấn đề giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù của Trại giam Nà Tấu, trong những năm qua là bài toán hóc búa đặt ra.
Dù khó khăn đến đâu chúng tôi luôn mong muốn giúp phạm nhân nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm mà họ đã gây ra, khơi dậy lòng nhân ái, khoan dung, vị tha của xã hội, từ đó mỗi phạm nhân đều thắp lên niềm tin vào cuộc sống, chấp hành tốt các nội quy quy định của trại, tích cực lao động sản xuất, là những cuộc đời "Đang dần được hồi sinh”.
Và khi chúng tôi được đọc những lời tâm sự, sự sám hối chân thành của những người đang thụ án phía sau song sắt qua những bức thư họ viết gửi gia đình qua chương trình viết thư xin lỗi, mới thấy được sự chân tình, sự bao dung, lòng nhân ái, thứ tình người thẳm sâu ẩn chứa đằng sau sắc phục Công an của những cán bộ quản giáo ở Trại giam Nà Tấu đang từng ngày quên đi nỗi vất vả đời thường nâng đỡ các cuộc đời phạm nhân nơi đây, khơi gợi trong các phạm nhân lòng tự trọng, tính bản thiện, quyết tâm làm lại cuộc đời, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.