Trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, có lẽ không có nhạc sĩ nào gây ra một tiếng nổ giai điệu “ Mười chín tháng Tám” mạnh mẽ đến thế trong thời khắc của khởi nghĩa 19- 8- 1945, mà lại có một đời thường lặng lẽ đến ngạc nhiên như Xuân Oanh.
Nhạc sĩ Xuân Oanh |
Xuân Oanh sinh tại Quảng Yên vào cuối đông năm Quý Hợi 1923 trong một gia đình nghèo. Từ căn nhà ông ra tới cửa sông Bạch Đằng chỉ chừng vài mươi mét. Nếu cửa sông lịch sử này khiến cho những Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước bước đến tần ngần và cảm hứng lên những “Trên sông Bạch Đằng” hay “Bạch Đằng Giang” thì đó cũng là nơi Xuân Oanh cất bước lên đường về thành phố Cảng Hải Phòng để mưu sinh và học hành. Ở đô thị thợ thuyền này, Xuân Oanh đã có cuộc giao thoa thanh xuân trong nhà trường, trong ca hát, trong làm lụng và trong hoạt động cách mạng cùng Nguyễn Đình Thi và Văn Cao. Nếu Nguyễn Đình Thi có bài hát đầu tay về học sinh trường Bonnal (bây giờ là trường Ngô Quyền), Văn Cao với “Buồn tàn thu” thì Xuân Oanh bắt đầu giai điệu tưởng nhớ Hai Bà Trưng bên dòng sông Hát. Cả ba chàng “ngự lâm âm nhạc” này đều không ở Hải Phòng được bao lâu do nhiều hoàn cảnh mà đều phải “bật lên” Hà Nội để tiếp tục sự nghiệp. Và giữa Kinh thành ngàn năm văn hiến, nếu Văn Cao có “Tiến quân ca”, Nguyễn Đình Thi có “Diệt phát xít” đều vang lên ở Đại Hội Quốc dân Tân Trào 13-8-1945 và tại Hà Nội chiều 17-8-1945 ở Quảng Trường Nhà hát Lớn thì đến đúng ngày 19-8-1945, giai điệu ngày khởi nghĩa Mười chín tháng Tám đã được Xuân Oanh xuất thần.
“Mười chín tháng Tám” được viết ra bởi cán bộ Việt Minh Xuân Oanh khi đoàn biểu tình tiến từ Văn Điển về Hà Nội sáng 19-8-1945. Ngay từ khi đoàn biểu tình bắt đầu hành tiến thì câu ca đầu tiên đã được Xuân Oanh hát lên và được đám đông hát theo bằng tất cả tinh thần thăng hoa của những người đã giành lại tự do, độc lập cho mình, cho dân tộc mình:
Toàn dân Việt
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng Tám khi khối dân căm hờn kêu thét
Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung
Cứ thế, giai điệu cứ xô dạt trong tâm hồn Xuân Oanh theo làn sóng của đoàn biểu tình. Khi đoàn biểu tình tới Quảng trường Nhà hát Lớn, im lặng nghe dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” của Văn Cao trước lá cờ đỏ sao vàng thì cũng là khi trang nhật ký ngày khởi nghĩa được Xuân Oanh ghi bằng âm thanh cũng được khép lại bằng sự nhắn nhủ chứa chan tình cảm:
Người Việt
Mười chín tháng Tám
Chớ quên là ngày khởi nghĩa
Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt
Ca khúc “Mười chín tháng Tám” của Xuân Oanh đứng đầu trong cụm tác phẩm nhận giải thưởng của Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
Ngày thiêng liêng ấy, sau khi tự hát lên giai điệu này giữa đoàn biểu tình, Xuân Oanh đã ký âm ra và đưa cho người bạn ở chợ Hôm tên là Vân Anh. Ngay lập tức, giai điệu ngày khởi nghĩa được khắc gỗ, được in ra như truyền đơn rải khắp Hà Nội hừng hực khí thế cũng như các tỉnh phía Bắc. Cũng ngay lập tức, “Mười chín tháng Tám” đã được hát vang khắp Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Gai..., khắp 36 phố phường Hà Nội. Vậy là trong ngày khởi nghĩa, ba chàng “ngự lâm âm nhạc” đã nã ba phát đại bác âm thanh gồm “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” và “Mười chín tháng Tám” thông qua quần chúng cách mạng, phá tan dinh lũy cuối cùng của chế độ thực dân, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn cõi Việt Nam.
Kháng chiến toàn quốc, Xuân Oanh lên chiến khu làm báo “Cứu quốc” cùng Tô Hoài, Nam Cao. Bên cạnh việc làm phóng viên báo, Xuân Oanh vẫn viết nhiều ca khúc từ sau trang nhật ký âm thanh “Mười chín tháng Tám”.
…Từ sau năm 1995, khi người bạn đồng niên Văn Cao và người bạn đời Xuân Uyên từ trần, Xuân Oanh bắt đâu một giai đoạn sống cô đơn. Bằng nghị lực phi thường của tuổi già, Xuân Oanh vẫn vẽ, vẫn viết ca khúc, làm thơ và dịch thơ, vẫn cười vang giữa bè bạn tụ quần, giữa những âm thanh và những sắc màu nồng say khát vọng vô biên.. như quên thời gian đã bạc trắng mây trời.
Nguyễn Thụy Kha