“Xứ sở chùa vàng” đón đầu xu hướng du lịch y tế như thế nào?

Bệnh viện 6 sao Thonburi Bamrungmuang (Bangkok) được kỳ vọng trở thành trung tâm y tế lớn của Thái Lan
Bệnh viện 6 sao Thonburi Bamrungmuang (Bangkok) được kỳ vọng trở thành trung tâm y tế lớn của Thái Lan
(PLVN) - Nhìn từ mô hình du lịch y tế thành công ở Thái Lan, thị trường du lịch y tế Việt Nam có tiềm năng nhưng còn manh mún. Trong khi đó, thị trường khách Việt đang trở thành “miếng mồi béo bở” của các quốc gia khác.

“Mỏ vàng” bỏ ngỏ ở Việt Nam

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thức ăn độc hại  khiến sức khoẻ trở thành vấn đề lo lắng hàng đầu trên toàn cầu. Theo đó, ung thư vẫn là căn bệnh thế kỉ gây tử vong ở hầu hết mọi quốc gia, người Việt cũng không ngoại lệ. Thống kê cho thấy, cứ 100 người chết ở Việt Nam thì khoảng 25 người là bởi ung thư, ngoài ra còn có các loại bệnh theo mùa, bệnh tâm lý, bệnh di truyền…

Trên thực tế, người Việt không hề keo kiệt khi bỏ “tiền túi” chi tiêu cho sức khoẻ của mình. Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê người Việt Nam bỏ ra khoảng 7,8% thu nhập của mình cho chăm sóc sức khoẻ, con số này có xu hướng tăng qua các năm. So với một người Thái Lan chi trả khoảng 4,1% thu nhập, một người Singapore dành ra khoảng 4,9% thu nhập, một người Lào chi ra khoảng 1,9% thu nhập... 

Có thể thấy, người Việt, mặc dù thu nhập bình quân đầu người có thể hạn chế hơn các nước phát triển, nhưng mối quan tâm của họ dành cho sức khoẻ không hề thua kém, thậm chí sẵn sàng chi trả cao. Theo thống kê cũng từ WHO, tuổi thọ bình quân của người Việt tính đến năm 2015 là 71 đối với nam và 81 đối với nữ. Đây là con số tương đối cao. Tuy nhiên điều đó không phản ánh mức độ nguy hiểm về sức khỏe mà người Việt đang phải đối mặt.

Dù nhu cầu là có thật, tình hình quá tải bệnh viện ở Việt Nam đã và đang là nỗi ám ảnh hàng đầu của bệnh nhân, bên cạnh đó kéo theo những vấn đề về chất lượng, thái độ của y bác sĩ…. Thị trường Việt Nam vì vậy đang là “miếng mồi ngon” của các quốc gia lân cận. Mặc dù khó có thể thống kê đầy đủ, đầu năm 2016 Bộ Y tế cho biết, bình quân mỗi năm người Việt chi tới 2 tỷ USD cho việc ra nước ngoài chữa bệnh. 

Loại hình du lịch y tế đã manh mún ở Việt Nam từ vài năm, đến nay, vẫn là một “mỏ vàng” chưa được khai phá hết tiềm năng. Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra định hướng phát triển mạnh loại hình du lịch này trên địa bàn. Nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, khám sức khỏe và tầm soát bệnh là 5 loại hình du lịch y tế chất lượng cao đang được lãnh đạo thành phố chú trọng tập trung.

Theo đó, để phát triển du lịch y tế theo hướng chất lượng cao, những thách thức trước mắt vẫn phải là tạo dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao tay nghề khám chữa bệnh, dịch vụ chăm sóc thân thiện, chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Khi có được sản phẩm y tế hoàn chỉnh, nối tiếp chính là các công ty lữ hành hình thành các gói tour du lịch đặc trưng về y tế như du lịch nha khoa, du lịch y học cổ truyền, du lịch chữa bệnh hiếm muộn…. Đồng thời, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá xúc tiến giới thiệu du lịch y tế đến các tỉnh và các quốc gia là thị trường tiềm năng.

Để làm được điều này, việc học hỏi những “người tiên phong” rất quan trọng. Hiện, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Myanmar… là những điển hình thành công cho mô hình du lịch y tế trên thế giới. Nói riêng về xứ sở chùa vàng, Chính phủ Thái Lan đã nhận ra “mỏ vàng” du lịch y tế từ rất sớm và đã “nung nấu” tham vọng trở thành một “thủ phủ” du lịch y tế toàn cầu.

Chăm sóc khách hàng là yếu tố quan trọng của du lịch y tế
Chăm sóc khách hàng là yếu tố quan trọng của du lịch y tế 

Từ giấc mơ trung tâm y tế châu Á…

Năm 2004, Thái Lan đã đề ra chiến lược trở thành trung tâm y tế của Châu Á. Chính phủ Thái Lan đã không ngừng nỗ lực để thực hiện tham vọng của mình. Bộ Y tế Thái Lan đề ra 3 mục tiêu trọng điểm: dịch vụ y tế, dịch vụ sức khỏe bao gồm massage truyền thống, spa và các sản phẩm dược liệu.

Du lịch y tế nhanh chóng trở thành một nguồn thu ngoại tệ đáng kể của Thái Lan, mức tăng trưởng ngành mỗi năm đạt 20%. Năm 2011, ngành này đóng góp 0,4% GDP Thái Lan. Thái Lan được mệnh danh là “thiên đường chuyển giới”,  một điểm đến “chống lại những sắp đặt của tạo hóa”. Năm 2014, theo ước tính của Bloomberg, phẫu thuật chuyển giới đã mang lại cho du lịch Thái Lan 4 tỷ USD doanh thu. 

Đầu tháng 9/2016, Bộ Y tế Thái Lan phát động chương trình “Đến Thái Lan vì sức khỏe của bạn”. Chương trình này đã liên kết với các đại lý du lịch cùng với trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân cung cấp các dịch vụ trọn gói dành cho du khách nước ngoài đến Thái Lan. Bộ Y tế cũng đồng thời giới thiệu ra thế giới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho khách nước ngoài. Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam là các thị trường trọng điểm mà Thái Lan đang hướng tới trong tương lai gần.

Đầu tư vào lĩnh vực vực du lịch y tế được chính phủ khuyến khích, đặc biệt tại các vùng du lịch trọng điểm của Thái Lan như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Surat Thani, Pattaya, Hua Hin. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều bệnh viện và trung tâm y tế ở Thái Lan đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán để gây quỹ đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho nên mức độ cung cấp dịch vụ điều trị tại Thái Lan tốt nhất có thể. 

Đặc biệt, ngành du lịch Thái Lan rất nỗ lực vượt qua được vấn đề trở ngại về ngoại ngữ. Người Thái Lan không ngại học ngoại ngữ để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của họ, ví như tiếng Việt, Hàn, Nhật, Anh, Trung… 

Một số bệnh viện ở Thái Lan còn thiết lập bộ phận chuyên trách về du lịch, phối hợp và tiếp thị các dịch vụ của mình với các cơ quan điều hành du lịch trong nước. Chưa kể, các cơ sở y tế của Thái Lan hướng tới cung cấp dịch vụ 24/24 tại các thành phố lớn ở các tỉnh ví như Bangkok, hoặc các trung tâm du lịch. Theo đó, du khách có thể tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế một cách thuận tiện, từ các dịch vụ điều trị mắt bằng lasik, phẫu thuật tim, hay phẫu thuật thẩm mỹ.

Với người Việt, Thái Lan không chỉ hấp dẫn bởi trình độ phát triển y học tiên tiến, chất lượng dịch vụ tốt, mà còn bởi việc điều trị ở đây hoàn toàn có thể kết hợp với chương trình du lịch, nghỉ dưỡng theo chương trình các bệnh viện hoặc các công ty lữ hành tổ chức. Bên cạnh đó, việc bay sang Thái Lan hết sức đơn giản, không cần xin visa, không cần chứng minh tài chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Đến tham vọng trở thành trung tâm y tế quốc tế

Trong kế hoạch năm 2016 - 2025, Chính phủ Thái Lan triển khai chính sách nhằm đưa đất nước này dần trở thành một trung tâm y tế quốc tế đến năm 2025. Hiện, Thái Lan có hơn 400 bệnh viện với tiêu chuẩn cao và giá phục vụ thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Đầu năm 2019, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Thonburi Healthcare Group (THG) - đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Thái Lan, công bố khai trương Bệnh viện Thonburi Bamrungmuang tại Bangkok, đem đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tiêu chuẩn 6 sao quốc tế.

Bệnh viện Thonburi Bamrungmuang có 6 trung tâm, bao gồm: Trung tâm Kiểm tra sức khỏe cá nhân; Trung tâm Tái tạo và Gen; Trung tâm Thẩm mỹ và Phẫu thuật thẩm mỹ; Trung tâm Sinh sản IVF; Trung tâm Chăm sóc vết thương cho bệnh nhân tiểu đường Thonburi; Trung tâm Nha khoa kỹ thuật số. Đây đều là các chuyên khoa “đắt khách” du lịch y tế. Việc mở những trung tâm y tế như vậy trong tương lai được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ Thái Lan thực hiện tham vọng của mình. 

Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Thái Lan đầu tư hoàn thiện ngành du lịch y tế của nước nhà. Cho đến nay, nhiều bệnh viện, đơn vị lữ hành còn chú trọng mở rộng ra các thị trường khác thông qua các Hội chợ thương mại quốc tế ở châu Âu, Trung Đông. Các bác sĩ và chuyên gia có thể nhận bệnh án của bệnh nhân tức thì bằng vệ tinh. Các bệnh viện thuê nhân viên lưu loát tiếng Anh đã được đào tạo ở nước ngoài và những người nói tiếng Ả rập để đáp ứng nhu cầu dịch vụ từ các nước vùng Trung Đông.

Chuyên gia nước ngoài, chuyên viên quản trị của các công ty đa quốc gia và nhân viên sứ quán đều chứng thực điều trị của các bệnh viện ở Thái Lan với chi phí thấp. Tổng cục Du lịch Thái Lan liên tục giới thiệu các bệnh viện uy tín dành cho người nước ngoài như Bệnh viện Bumrungrad, Bệnh viện Đa khoa Bangkok - nơi tất cả bác sĩ đều được đào tạo ở nước ngoài, thường là Hoa Kỳ, Anh hay Úc và nhân viên nói nhiều thứ tiếng được thuê đặc biệt dành cho chăm sóc bệnh nhân. 

Những nỗ lực và thành tựu mà xứ sở chùa vàng đạt được có thể sẽ là những bài học quý giá cho Việt Nam noi theo. Số liệu năm 2016 cho thấy Singapore đã tiếp nhận khoảng 550.000 bệnh nhân nước ngoài, Malaysia tiếp nhận 940.000, trong khi Thái Lan từ 1,3 triệu đến 1,8 triệu bệnh nhân nước ngoài. Thái Lan là một điểm đến được yêu thích trong số những người tìm kiếm phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Malaysia và Singapore đang cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực phẫu thuật điều trị bệnh phức tạp và mang lại doanh thu cao nhất. 

Thiết nghĩ, ngành du lịch y tế Việt Nam mặc dù có đặc thù riêng biệt, nhưng vẫn là một thị trường còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy được thế mạnh.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.