Biến tướng các động tác thể thao
Những năm gần đây, ở bãi sông Hồng, cứ mỗi buổi chiều, hàng chục nam giới với các độ tuổi từ 16 đến 70 lại đổ về đây để… “tắm tiên” và tập thể dục với trang phục “thời nguyên thủy”. Những người tụ tập tại bãi “tắm tiên" lập nên từng câu lạc bộ, nhóm riêng. Có một thực tế, tại đây, không ít người bị quấy rối tình dục.
Anh Hoàng Hải, 22 tuổi ở Gia Lâm tâm sự: “Có lần đang tắm ở sông, tôi bỗng thấy có một người đàn ông khoảng chừng 40 trườn vào người, ôm chặt. Tôi sợ quá gạt tay người đàn ông đó và chạy lên bờ mặc vội quần áo. Khi nói chuyện với một số người khác thì tôi mới biết không phải mình tôi mà nhiều người cũng bị như thế”.
Trên thế giới, một số nước áp dụng cách nude khi tập yoga. Bởi theo họ, người khỏa thân khi tập yoga là người thực sự yêu quý bản thân của mình, muốn đạt đến sự phóng khoáng cao độ cho tinh thần.
Tại Việt Nam, việc nude tập yoga chưa trở thành phong trào mà chỉ tự phát lẻ tẻ. Kiều Hương - một giáo viên yoga khẳng định, để thân thể trong trạng thái không mặc gì cho người khác nhìn khi thực hiện những tư thế yoga không phải đạo lý của yoga, do nó có thể gây ra sự mất kiểm soát về ý thức của người nhìn. Yoga khỏa thân không phải là một bộ môn của yoga.
Theo ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết, yoga đã xuất hiện yoga khoả thân, dance sport hay thể dục dưỡng sinh cũng có hình thức tập luyện không đúng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục...
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận định: "Ngoài vận động viên đỉnh cao, còn có hàng vạn người tập luyện. Không ít người có thể lợi dụng, biến tướng các động tác của dancesport và các môn khác. Và trong trường hợp này cần có luật để xử phạt, răn đe”.
Loay hoay xử phạt
Để lành mạnh hóa các môn thể thao, từ ngày 1/8/2019, Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực.
Cụ thể, Điều 7 của Nghị định nêu: “Hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về cơ quan thanh tra chuyên ngành, UBND và công an nhân dân các cấp, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao thế nào thì mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy đến mức phải xử phạt, bởi chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực thi.
Khái niệm “khiêu dâm” được đề cập ở một số văn bản như tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có định nghĩa: "Khiêu dâm" là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục" hoặc tại Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/08/2010 của Bộ VHTTDL (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014) cũng định nghĩa: “Khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thể thao hiện nay chưa có quy định một cách cụ thể về hành vi khiêu dâm đồi trụy. Ngay như ông Phạm Xuân Phúc cũng nói rằng, khái niệm “thể thao mang tính chất khiêu dâm” sẽ được cụ thể hóa thế nào trong Thông tư hướng dẫn tới đây là điều rất khó, do có những điều khoản để răn đe là chính. Trong khi đó chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực thi.
Khi mà chính những người soạn thảo quy định còn loay hoay, chưa định lượng được thế nào là khiêu dâm trong thể thao thì rất khó cho những người tập luyện những môn thể thao ấy biết được cách ăn mặc, động tác tập luyện, biểu diễn nào được cho là mang tính chất khiêu dâm để tránh.
Bởi vậy, các vận động viên, những người tập luyện thể thao cho rằng, cần quy định rõ các hoạt động thể dục, thể thao ăn mặc như thế nào cho vừa không khiêu dâm, vừa đáp ứng được các bài tập hay như các động tác nào là khiêu dâm để chỉnh sửa lại các bài tập.
"Không có môn thể thao khiêu dâm mà chỉ có những môn thể thao có hành vi khiêu dâm. Nếu nhận được thông tin về sự việc, chúng tôi sẽ mời chuyên gia xem xét để đưa ra kết luận" - ông Phúc nói.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các câu lạc bộ, nhóm, lớp tập thể thao, liệu có đủ cán bộ và đủ thời gian đi kiểm tra thường xuyên tại các phòng tập để xử phạt hành vi cho là khiêu dâm, đồi trụy ấy hay không? Không ít người lo ngại, nếu chỉ “răn đe là chính” thì rất có thể Nghị định sẽ bị giảm tính khả thi cũng như việc xử phạt hành chính có thể sẽ đi vào… ngõ cụt.