Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS: Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Liên quan đến tiền lãi của số tiền người mua trúng đấu giá nộp, tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62 quy định: Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan THADS làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác”.
Tuy nhiên quy định này còn một số bất cập bởi trên thực tế, không có vụ việc nào ngày người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền là ngày cơ quan THADS giao được tài sản cho người mua. Trường hợp giao được trong hạn quy định 30 - 60 ngày theo như quy định trên thì việc chỉ thanh toán lãi đến ngày người mua nộp đủ tiền cho người được thi hành án là không đúng với nguyên tắc trả tiền lãi trên số nợ gốc tương ứng với thời hạn vay đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Mặt khác, hiện nay còn có các cách hiểu khác nhau về khoản tiền lãi phát sinh từ tiền gửi Ngân hàng đối với số tiền bán đấu giá thành. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62 được chia thành hai trường hợp giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Trường hợp thứ nhất là trong khoảng thời gian chưa giao tài sản (bao gồm cả chậm giao tài sản quá thời hạn 60 ngày) cho người mua trúng đấu giá, thì phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án.
Trường hợp thứ hai là không giao được tài sản (hủy hợp đồng mua bán tài sản, kết quả bán đấu giá), thì phần lãi đối với khoản tiền gửi đó thuộc về người mua trúng đấu giá. Cách hiểu như trên phù hợp quy định pháp luật dân sự bởi theo quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu, khi người mua trúng đấu giá nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS, thì người mua trúng đấu giá không còn quyền sở hữu đối với khoản tiền đó. Lúc này, số tiền đã nộp thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Tiền lãi phát sinh từ số tiền này đều thuộc về người có tài sản bán đấu giá theo quy định tại Khoản 1 Điều 161 Bộ Luật Dân sự.
Mặt khác, trên thực tế, trường hợp chậm giao tài sản (vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do người phải thi hành án chống đối), nếu người mua trúng đấu giá yêu cầu bồi thường thiệt hại và chứng minh được thiệt hại của việc chậm được nhận tài sản mua trúng đấu giá thì người có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định buộc cơ quan thi hành án bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, mà không phụ thuộc vào khoản tiền lãi của số tiền người mua trúng đấu giá đã nộp nêu trên. Trường hợp quá thời hạn 30 ngày đối với vụ việc đơn giản, 60 ngày đối với vụ việc phức tạp (quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62), người mua trúng đấu giá có quyền khởi kiện hoặc thỏa thuận hủy kết quả bán đấu giá theo quy định tại Điều 102 Luật THADS, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản. Hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bồi thường thiệt hại, tức là phải trả cho người mua trúng đấu giá số tiền gốc và lãi phát sinh.
Như vậy, quy định tại Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62 là phù hợp với quy định của pháp luật Dân sự là đấu giá tài sản. Đồng thời, quy định này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án, trường hợp chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì có thể sẽ phải bồi thường do lỗi của mình.
Tuy nhiên, ngoài 2 trường hợp nêu trên, lại có quan điểm cho rằng trong thời hạn 60 ngày giao được tài sản cho người trúng đấu giá (kể từ ngày người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền mà không thuộc trường hợp có sự kiện bất khả kháng), khi đó phần lãi tiền gửi sẽ thuộc về người phải thi hành án dùng để thi hành án. Phần lãi tiền gửi từ ngày thứ 61 trở về sau sẽ thuộc về người trúng đấu giá và được trả cho người trúng đấu giá. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn của Tổng cục THADS cũng như sự hướng dẫn thống nhất của liên ngành trung ương đối với vấn đề này.