Thượng tướng Tô Lâm đã biểu dương sự nghiêm túc của Tỉnh ủy Gia Lai trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Gia Lai tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN ở địa phương để tháo gỡ trong thời gian tới; nêu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
“Cần chỉ ra được những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN về công tác PCTN ở địa phương” - Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Về nhiệm vụ thời gian tới, Gia Lai tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, bao che tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong công tác PCTN phải thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kết hợp giám sát thường xuyên với tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất những nơi có nguy cơ tham nhũng cao, nơi có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng.
Ông cho rằng phải đẩy mạnh những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, nhất là trong phát hiện, xử lý “tham nhũng vặt”, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa…
* Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 4 của BCĐ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên để triển khai kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại tỉnh này. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, cấp ủy các cấp của tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên về PCTN; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu về nội dung này.
Các giải pháp về PCTN được tăng cường, trong đó chú trọng đến thu hồi tài sản; chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng về kinh tế. Kết quả là tỷ lệ thu hồi tài sản tăng qua các năm (đạt tỷ lệ thu hồi 33,8% trong kỳ báo cáo).
Tuy nhiên, tương tự như các địa phương khác, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc xác định tài sản do tham nhũng thường mất nhiều thời gian; tỷ lệ thu hồi tài sản có tăng nhưng vẫn thấp so với tổng số tiền bị chiếm dụng, thất thoát; công tác phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án đôi khi chưa thực sự chặt chẽ...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đợt kiểm tra này nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để có biện pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.
Đồng thời, thông qua kiểm tra và thực tiễn thu hồi tài sản để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thể chế, chính sách phù hợp. Do vậy, yêu cầu trong thời gian kiểm tra, các cơ quan đơn vị tập trung, nghiêm túc để đạt được kết quả cao nhất.