Đại biểu lo lắng Thanh tra Chính phủ quá tải công việc
Trong chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng ngày 25/10/2018 các ĐB đã thảo luận thẳng thắn, cầu thị tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đa số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật do Chính phủ trình là giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình; ý kiến khác đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên.
Bên cạnh đó, một số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1, giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Ngoài ra có ý kiến ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.
Tham gia thảo luận, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất phương án 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, theo ĐB Hòa cần cân nhắc việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai vì dự thảo luật đã bổ sung thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập về xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản thu nhập.
Cơ quan này còn tham gia tố tụng trong trường hợp xử lý tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc hoặc khi người có nghĩa vụ kê khai khiếu nại kết luận xác minh tài sản thu nhập v.v...
“Như vậy, nhiệm vụ rất nặng nề mà giao cho cơ quan thanh tra hay các cơ quan khác sẽ gặp nhiều khó khăn về tính chuyên nghiệp, về kinh nghiệm kiểm soát tài sản thu nhập dẫn đến hiệu quả thấp nên cần cơ quan chuyên trách để chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn phải nằm trong khu biên chế của tổng biên chế chung”, ĐB Hòa nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại nêu quan điểm đồng tình với phương án 1 về cơ quan kiểm soát tài sản. Theo đó, giao Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra, kiểm toán kiểm soát tài sản, thu nhập cá nhân.
ĐB Đoàn Quảng Bình nhấn mạnh: “Ở đây cần nói đến vai trò của Đảng, đoàn thể là giao cho Ủy ban Kiểm tra. Quan điểm này phù hợp với việc phân cấp quản lý, vừa sát với thực tiễn, không làm tăng thêm biên chế, không làm phát sinh nhiều cơ quan quản lý và không làm biến đổi quy mô, hình thức, địa hoạch. Còn các phương án khác tôi cho là không hợp lý”.
Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý nên giao Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát từ Phó Chủ tịch tỉnh trở lên: “Ở khoản 1 Điều 30 chúng ta giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở tương đương trở lên ở địa phương. Tôi thấy, nếu giao như thế liệu có quá tải với Thanh tra Chính phủ không? Thanh tra Chính phủ còn rất nhiều việc quan trọng khác nữa...”.
Theo ĐB Tám, nên quy định Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đến Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên; Giám đốc Sở và tương đương thì giao cho thanh tra tỉnh. Trong quá trình đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra cấp tỉnh làm nghiệp vụ này thì phù hợp hơn.
Thu thuế hay giao Tòa xử lý?
Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, theo báo cáo của UBTVQH, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; Đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế; một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế bảo đảm phù hợp với thực tiễn; có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà không dùng Luật này để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc (Phương án 3) thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án. Cũng có ý kiến đề nghị một số phương án khác như giữ quy định Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính; xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua trình tự, thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án…
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) tập trung vào phân tích phương án giao cơ quan thuế xử lý tài sản không rõ nguồn gốc chưa thật rõ về căn cứ cơ sở cũng như tính khả thi. Theo ông Bình, phương án này có thể đáp ứng được nhu cầu xử lý kịp thời đối với tài sản thu nhập giải trình không hợp lý.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân dường như chưa thật có cơ sở chắc chắn khi thực hiện việc thu thuế với nhận thức chỉ tạm coi đây là khoản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai: “Điều đặc biệt hơn ở đây là theo phương án này thì thực hiện việc thu thuế ngay khi chính người phải nộp thuế thu nhập cá nhân lại không giải trình, chứng minh được một cách hợp lý tài sản thu nhập mà họ phải chịu thuế là của họ”, ĐB Đoàn Hải Phòng nêu ý kiến.
Ông Bình phân tích tiếp: “Trong dự thảo lần này chỉ quy định việc thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế mà không quy định mức thuế là bao nhiêu. Tại dự thảo lần trước thì quy định là 45% và tại kỳ họp lần trước với mức thuế này cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều ý kiến khác nhau về mức thuế này.
Với mức thuế suất là bao nhiêu là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cơ sở pháp lý, tính khả thi khi thực hiện việc thu thuế theo trường hợp này ở đây là chưa rõ, chưa có cơ sở để xem xét. Đây thực sự là một khó khăn khi được đề nghị xem xét thông qua phương án này”.
Cũng theo phương án này, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế khi người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản thu nhập là do vi phạm mà có. Tuy nhiên, tại Điều 49 của dự thảo Luật về kết luận xác minh của tài sản thu nhập của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập thì chỉ có nội dung về tính trung thực của người kê khai, tính hợp lý trong giải trình về nguồn gốc tài sản mà không có nội dung nêu về cơ sở để cho là tài sản của người có nghĩa vụ kê khai là do vi phạm pháp luật mà có.
Ông Bình cho rằng phương án sẽ do Tòa án xem xét quyết định sẽ đảm bảo tính khách quan, dân chủ và sự minh bạch khi thực hiện thủ tục có tranh tụng công khai tại tòa để xem xét quyết định tính hợp lý về nguồn gốc tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
Nên phân loại tài sản bất minh
Ở góc nhìn khác, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu sử dụng tòa án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta đang hình sự hóa trá hình vấn đề thu hồi tài sản và không ổn về mặt khoa học pháp lý.
Còn sử dụng công cụ thuế thì sẽ có những vấn đề rất khó khăn giải thích: “Tài sản này là tài sản chịu thuế. Các cử tri có nói với tôi, kể cả tài sản có được bằng tài sản tham nhũng thì nó cũng đã được mua, đã được mua thì cũng có nghĩa là nó đã chịu thuế rồi, vậy chúng ta tiếp tục đánh thuế thì nó sẽ là biện pháp chồng thuế. Như vậy không ổn cả về khía cạnh chúng ta sử dụng thuế”, ông Nhưỡng phân tích.
Theo đó, ông Nhưỡng đồng tình biện pháp hiện nay đang thực hiện, nếu đã là tài sản có nghi vấn thì dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra. Và nếu là tài sản tham nhũng là phải tịch thu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng phân chia tài sản bất minh thành nhiều loại. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, trước tiên cần quy định rõ là những tài sản không kê khai. Không kê khai tức là cố tình che giấu, cố tình gian dối thì phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính.
Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc của nó nhưng cơ quan quản lý cũng không kết luận được đó là tài sản bất minh. Trong trường hợp này nếu có nghi ngờ bất minh thì phải chuyển tài sản đó cho cơ quan điều tra làm rõ.
“Còn trường hợp cơ quan quản lý cũng không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tôi cho rằng tài sản này sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế theo phương án 2”, ông Cường nói và giải thích không sợ tình trạng chồng thuế bởi vì bản thân người có tài sản đó cũng không chứng minh được là mình đã nộp thuế. Nếu chứng minh được mình đã nộp thuế rồi thì đương nhiên người ta đã chứng minh được tính minh bạch của nguồn gốc tài sản.
Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị phân chia vấn đề tài sản bất minh này ra nhiều loại. Thứ nhất, chuyện không khai báo trước hết vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức: “Đôi khi không khai báo khi tìm hiểu ra đó là tài sản hoàn toàn hợp pháp thì không xử lý. Loại thứ hai, khi tìm hiểu thấy tài sản có vấn đề, nó có thể là vấn đề không đóng thuế...”, ĐB Đoàn TP HCM phân tích và đề nghị, cũng tài sản bất minh nhưng có trường hợp phải chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ.
Tóm tắt lại các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết riêng về xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc ở Điều 52 của dự thảo Luật có rất nhiều ý kiến khác nhau, kể cả việc trình Quốc hội lần thứ nhất, lần thứ hai, khi đưa ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ý kiến rất khác nhau nhiều chuyên gia cũng ý kiến khác nhau và đến phiên thảo luận Kỳ họp thứ 6 cũng vậy.
Vấn đề này sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc thật kỹ, gửi lại cho Thường vụ Quốc hội để tập hợp, nghiên cứu và giải trình báo cáo với Quốc hội quyết định.