Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự

(PLVN) - Trong những năm qua, các Bộ, ngành có liên quan đã quán triệt tới từng đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

Theo đó, việc xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ vi phạm pháp luật trong công tác điều tra xử lý tội phạm nói chung và những cán bộ trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự gây oan, sai, bỏ lọt tội phạm nhất là bức cung, dùng nhục hình nói riêng đã được đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, các trường hợp vi phạm đến mức khởi tố đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp vi phạm chưa đến mức khởi tố đã được xử lý kỷ luật nghiêm túc theo đúng quy trình, quy định của pháp luật như điều chuyển ra khỏi vị trí công tác, kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương...

Điển hình như việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ có sai phạm trong hoạt động điều tra vụ án giết người xảy ra trên địa bàn ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng dẫn đến oan, sai. Cụ thể là giáng chức, miễn nhiệm chức danh Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, Điều tra viên Cao cấp, bố trí công tác khác đối với đồng chí Trưởng phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội và Phó Trưởng phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng, đồng thời kỷ luật 05 người có liên quan bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách theo quy định của đảng và ngành. Đối với những người đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đều đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai, tra tấn trong hoạt động tố tụng hình sự. Như: Hệ thống các văn bản pháp luật còn chưa thật hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tiễn của công tác bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử. Một số tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự có cấu thành khó xác định, chứng minh tội phạm, nhất là những tội danh có dấu hiệu chủ quan là dấu hiệu bắt buộc trong định tội hoặc những tội phạm phải chứng minh được hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra. Các thông tư hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời gây khó khăn trong việc thực hiện.

Chưa có sự quan tâm đúng mức, còn thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định nên chất lượng giải quyết còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, cùng với đó là “bệnh thành tích” trong hoạt động tố tụng hình sự, do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải quyết vụ án. Trong hoạt động tố tụng hình sự, ở một số đơn vị, địa phương còn quan liêu hoặc chưa đủ năng lực trong công tác chỉ đạo, nên đã dẫn đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai hoặc kiểm tra phát hiện chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót và vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự; một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử; còn có cán bộ bộc lộ hạn chế về năng lực nghiệp vụ, pháp luật và thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Công tác tuyên truyền, tập huấn còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu. Do đó, hiệu quả sinh hoạt chính trị chưa cao, chưa tạo được chuyển biến sâu sắc, đồng bộ trong nhận thức và hành động của lực lượng làm công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện những sai phạm ở nhiều địa phương chưa tiến hành thường xuyên, hiệu quả thấp và chỉ mang tính hình thức cho nên không phát hiện được những sơ hở, thiếu sót và sai phạm. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ pháp luật, về nghiệp vụ thanh tra kiểm tra cho nên còn né tránh, ngại va chạm.

Do đó, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và kiên quyết điều chuyển khỏi vị trí công tác đối với những cá nhân vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động tố tụng hình sự của các đơn vị thuộc các Bộ, ngành có liên quan, đảm bảo công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật, đảm bảo đủ số lượng và năng lực, trình độ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.