Chém kiểm lâm để giải cứu đồng bọn
Công an huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã bắt giữ được 5 đối tượng trong vụ phá rừng và vây chém kiểm lâm vào tối ngày 18/12 tại tiểu khu 276 Vườn quốc gia Yok Đôn (nằm ở huyện Ea Súp).
Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Y Gió Hwinh (SN 1993), Bun Lẹo Hwinh (SN 1997), Lương Văn Huỳnh (SN 1997, cùng ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), Y Thất Mjao (SN 1996), Y Khoang Mjao (2000, cùng ngụ huyện Ea Súp). Trong đó, Y Gió Hwinh được xác định là đối tượng đã vung dao chém một cán bộ kiểm lâm đứt gân ngón tay.
Nhóm đối tượng phá rừng và vây chém kiểm lâm bị bắt vào khuya ngày 19/12. |
“Cơ quan công an cũng thu giữ con dao tang vật chém kiểm lâm và 2 xe máy dùng để vận chuyển gỗ lậu. Trước đó, tại hiện trường, nhóm lâm tặc đã cưa đổ 2 cây căm xe, nhóm IIA với khối lượng hơn 3m3”, Thượng tá Phu cho biết.
Trước đó, ngày 18/12, lãnh đạo Trạm Kiểm lâm số 11 (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn) phân công 2 cán bộ kiểm lâm là anh Y Thông Chỉ Byă (SN 1995) và anh Y Rin Kuăn (SN 1983) đi tuần tra bảo vệ rừng. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, 2 hai cán bộ kiểm lâm này nghe tiếng cưa máy đang phá rừng nên lần theo thì phát hiện một nhóm lâm tặc khoảng 10 đối tượng đang cưa gỗ.
Lúc này, anh Y Thông Chỉ Byă lao vào khống chế đối tượng trực tiếp dùng cưa máy cưa một cây gỗ căm xe. Thấy vậy, các đối tượng lâm tặc khác chạy tới bao vây. Tại đây, đối tượng Y Gió Hwinh dùng dao từ phía sau lao đến chém một nhát vào người anh Y Thông Chỉ Byă để giải cứu đồng bọn. Bị tấn công, anh Y Thông Chỉ Byă đưa tay lên đỡ thì bị chém trúng vào bàn tay phải. Hậu quả, bàn tay phải bị đứt 2 gân ngón tay, ra máu rất nhiều.
“Lúc đó, trong rừng trời đã nhá nhem tối. Theo phản xạ, tôi đưa tay lên đỡ thì nhát dao chém đứt đôi chiếc đèn pin đang cầm trên tay, rồi trúng vào bàn tay phải khiến chảy rất nhiều máu. May là tôi kịp phản xạ, nếu không hậu quả sẽ không biết thế nào”, anh Y Thông Chỉ Byă cho hay.
Trước tình hình đó, anh Y Rin Kuăn bắn một phát súng chỉ thiên thì nhóm lâm tặc tháo chạy. Ngay sau đó, anh Y Thông Chỉ Byă được mọi người đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương nặng, kiểm lâm này đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để phẫu thuật nối 2 gân duỗi ngón tay 2 và 3 bàn tay trái.
Anh Y Thông Chỉ Byă bị chém đứt 2 gân ngón tay của bàn tay phải. |
Sau khi nhận được thông tin vụ việc, chiều ngày 19/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 9518/BNN-TCLN gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ và khai thác rừng trái phép xảy ra tại tiểu khu 276 Vườn quốc gia Yok Đôn, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công văn cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea Súp chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ Vườn quốc gia Yok Đôn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ổn định dân cư, nâng cao đời sống nhằm giảm áp lực bảo vệ rừng.
Khi vụ việc một nhóm lâm tặc chém kiểm lâm, giải cứu đồng bọn vào ngày 18/12 chưa lắng xuống thì một nhóm khác tiếp tục lẻn vào Vườn quốc gia Yok Đôn khai thác gỗ trái phép.
Theo đó, vào chiều ngày 21/12, các cán bộ kiểm lâm là anh Nguyễn Thế Cường và anh Trần Tuấn Nguyên (thuộc Trạm Kiểm lâm số 9, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn) được giao nhiệm vụ đi tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Đến khoảng 14h30 cùng ngày, 2 cán bộ này nghe thấy tiếng cưa máy tại khu vực tiểu khu 421 Vườn quốc gia Yok Đôn (nằm ở huyện Buôn Đôn) nên lần theo và phát hiện 4 đối tượng đang cưa gỗ rừng.
Thấy kiểm lâm, các đối tượng vác theo cưa máy, dụng cụ khác bỏ chạy. Tuy nhiên, 2 cán bộ kiểm lâm đã nhanh chóng truy đuổi khoảng 500m và bắt giữ được một đối tượng. Qua đấu tranh, đối tượng khai tên là Y Ka Ly M’lô (SN 1987, ngụ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Tại hiện trường, các đối tượng đã cưa hạ một cây gỗ giáng hương nhóm II với khối lượng 2,4m3. Sau khi cưa hạ cây gỗ này, nhóm đối tượng đã đốt gốc để phi tang.
Rừng “chảy máu”, người giữ rừng đổ máu
Nằm trên địa bàn 2 huyện Ea Súp, Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông), Vườn quốc gia Yok Đôn có tổng diện tích hơn 115.540ha. Tuy nhiên, nếu tính cả vùng đệm thì khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam này có cả tuyến biên giới của tỉnh Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông.
Ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp, rất đa dạng sinh học với 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 464 loài thực vật. Trong đó, có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ và nhiều loại cây gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, sao lá tím… rất có giá trị cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Với quy mô và đa dạng sinh học như vậy nên Vườn quốc gia Yok Đôn luôn được đặt trong sự quản lý, bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Chủ rừng là Ban Quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, còn có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn trong công tác này.
Mặc dù vậy, Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn bị lâm tặc xâu xé và luôn phải đối diện với mối nguy cơ bị xâm hại ở mức báo động. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng tựu trung lại vẫn là nguồn lợi siêu lớn từ việc khai thác gỗ trái phép tại đây.
Theo ông Phạm Tuấn Linh - Phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Yok Đôn, 3 mặt của Vườn quốc gia Yok Đôn tiếp giáp dân cư nên lâm tặc luôn nhòm ngó. Lâm tặc rất manh động, luôn trang bị súng, dao rựa để chống lại kiểm lâm khi bị bắt.
“Trong mấy năm trở lại đây, các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Yok Đôn liên tiếp bị tấn công. Kiểm lâm viên của đơn vị được trang bị một số công cụ hỗ trợ nhưng khi bị tấn công cũng không được chống trả, chỉ có thể dùng súng bắn chỉ thiên. Biết được điều này nên các nhóm phá rừng càng trở nên manh động, trang bị nhiều vũ khí, sẵn sàng chống trả để thoát thân”, ông Linh cho biết.
Nói về vụ việc lâm tặc chém anh Y Thông Chỉ Byă, ông Linh cho biết đây là vụ việc chống người thi hành công vụ rất nghiêm trọng. Hiện Vườn quốc gia Yok Đôn đã đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang bước vào mùa khô 2019 - 2020. Vườn quốc gia Yok Đôn vốn có đặc trưng địa hình bằng phẳng, mùa khô cây rụng lá, thảm thực bì không còn nên tạo ra vô số những con đường ra vào rừng thay vì những con đường độc đạo.
Trong khi đó, cuộc sống người dân sống trong khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn và khu vực xung quanh còn nhiều khó khăn, nhất là vào các tháng mùa khô người dân không sản xuất được nên sống dựa chủ yếu vào rừng. Chính vì vậy, công việc tuần tra lực lượng kiểm lâm rừng khá vất vả, thậm chí là cực kỳ nguy hiểm khi phải đối diện với những đối tượng lâm tặc manh động.